Phối hợp phát triển nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng

13/12/2018 2:16 PM

(Chinhphu.vn)-Các đơn vị đã chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm" là một giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội nghị-Ảnh: Thiện Tâm

Ngày 13/12, Khối thi đua Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2018, phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu năm 2019 với chủ đề "Chủ động khắc phục khó khăn, đoàn kết, hợp tác, đổi mới và phát triển".

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Trưởng khối thi đua Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn cho sản xuất và đời sống. Nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc trực tiếp của các tỉnh, thành phố và nỗ lực phấn đấu của các đơn vị trong khối, các Sở NN&PTNT đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, các tỉnh, thành khu vực ĐBSH đã tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ tạo chuỗi liên kết. Đồng thời mở rộng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới phương thức sản xuất, tăng tỷ lệ lúa chất lượng cao tỉnh Nam Định đạt 69%, Hưng Yên đạt 64,8%, Hải Dương đạt 67%...

Tổng diện tích gieo trồng vùng ĐBSH là hơn 1 triệu ha. Sản lượng lúa điển hình như Hà Nội đạt hơn 1 triệu nghìn tấn, Bắc Ninh đạt hơn 411 nghìn tấn, Nam Định đạt gần 376 nghìn tấn...

Cây vụ đông tiếp tục được phát triển theo hướng bền vững. Các địa phương cũng đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình sau chuyển đổi đã mang lại giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng hoa cây cảnh tại Văn Giang, Hưng Yên mang lại giá trị kinh tế cao, cho thu nhập 600-700 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm" là một giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Điển hình như tỉnh Nam Định đã xây dựng 207 "Cánh đồng mẫu lớn" với diện tích 3,4 nghìn ha; tỉnh Thái Bình đã triển khai được 185 cánh đồng mẫu lớn diện tích 15,3 nghìn ha.

Về chăn nuôi, các tỉnh đã quy hoạch, phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng vùng ĐBSH đạt khoảng 1,2 triệu nghìn tấn. Một số tỉnh có sản lượng thịt hơi xuất chuồng lớn như: Hà Nội đạt 436 nghìn tấn, Thái Bình đạt 190 nghìn tấn...

Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM), các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ phù hợp với điều kiện của từng tỉnh, theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ". Đồng thời đã trở thành cuộc vận động sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng thuận, hưởng ứng và tích cực tham gia. Tập trung phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đời sống nhân dân nông thôn được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Điển hình như Hà Nội hiện nay có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức và 4 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018 là Gia Lâm đạt 9/9 tiêu chí, đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn năm 2018, Thạch Thất đạt 7/9 tiêu chí, Phúc Thọ đạt 7/9 tiêu chí và Quốc Oai đạt 6/9 tiêu chí. Và có 297/386 xã đạt chuẩn NTM... Ngoài ra, tỉnh Nam Định hiện cũng có 207 xã đạt chuẩn NTM và 4 huyện đạt chuẩn NTM, Vĩnh Phúc có 99 xã và huyện đạt chuẩn.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng phong trào thi đua vẫn có lúc, có nơi ở một số đơn vị vẫn mang tính hình thức, chậm đổi mới về hình thức, nội dung, phong trào thi đua chưa thực sự sâu rộng. Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số đơn vị còn hạn chế.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu các đơn vị trong Khối Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH tăng cường sự phối hợp hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước cần phát triển đội ngũ kỹ thuật để nâng cao trình độ. Đồng thời kết nối các doanh nghiệp lớn và nhỏ để hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Bên cạnh đó cần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành và xây dựng NTM". Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực công tác.

Thiện Tâm

Top