Phòng chống lao hiệu quả từ hoạt động thiết thực

25/03/2019 11:19 AM

(Chinhphu.vn) - Hướng tới một Việt Nam không còn người bệnh lao vào năm 2030, để góp phần đạt được mục tiêu trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã luôn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động phòng chống bệnh lao.

Bệnh nhân mắc lao được chăm sóc và điều trị tốt tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: Thiện Tâm

Theo ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, chủ nhiệm chương trình chống lao thành phố Hà Nội, bệnh lao là một trong những căn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới. Riêng tại Hà Nội, năm 2018, nhằm phát hiện sớm bệnh nhân lao, bệnh nhân lao kháng thuốc, chương trình chống lao thành phố Hà Nội đã áp dụng kỹ thuật GeneXpert hiện đại, chẩn đoán sớm và chính xác cho bệnh nhân lao, nâng cao lượng người bệnh được chẩn đoán tại các tuyến.

Theo đó, năm 2018 chương trình chống lao thành phố Hà Nội đã khám cho gần 79 nghìn người nghi lao tại các tuyến (đạt 104,6% chỉ tiêu năm). Đồng thời đã phát hiện được 4.861 bệnh nhân lao mọi thể, tương ứng với tỷ lệ 63 người bệnh/100.000 dân. Số lượng người bệnh lao thu nhận điều trị trong năm 2018 giảm 0,6% so với năm 2017. Từ tháng 6/2018, Chương trình chống lao thành phố Hà Nội đã triển khai việc thu nhận và phân loại bệnh lao theo hướng dẫn mới của Chương trình phòng chống lao quốc gia, triển khai áp dụng các phác đồ điều trị lao mới đạt hiệu quả cao.

Theo ông Phạm Hữu Thường, có được kết quả trên là do Hà Nội có mạng lưới chống lao rộng khắp tại 100% quận, huyện và 100% xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong việc chẩn đoán nhanh, chính xác người bệnh mắc lao và ứng dụng hiệu quả phác đồ điều trị. Chính vì vậy, 100% dân số được tiếp cận với chương trình chống lao. Đặc biệt, Hà Nội cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện, tuyên truyền rộng khắp tại 30 quận/huyện/thị xã và 584 xã/phường/thị trấn về công tác phòng chống bệnh lao. Riêng trong dịp hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, Hà Nội đã cấp phát hơn 21.000 tờ áp phích, hơn 15.000 tờ gấp tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh lao; biên soạn, in ấn cấp phát 9.300 tờ gấp với nội dung những điều cần biết về bệnh lao, cung cấp các thông tin thiết yếu về phát hiện, điều trị bệnh cho cộng đồng.

Mặc dù vậy, công tác phòng chống lao trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn như phát hiện nguồn lây bệnh lao còn nhiều trở ngại do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế. Bên cạnh đó, đa số người bệnh lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông, chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng; xã hội vẫn còn kỳ thị với người bệnh lao nên vẫn còn không ít người giấu bệnh. Không chỉ vậy, thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài nên nhiều người bệnh bỏ dở phác đồ điều trị, dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc ngày càng tăng; nguồn nhân lực của tuyến huyện, xã còn thiếu, thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm nhiều công việc nên ảnh hưởng đến công tác phòng chống lao. Ngoài ra, kinh phí thực hiện khó khăn trong việc hỗ trợ các hoạt động đặc thù của mạng lưới chương trình chống lao. Công tác phối hợp y tế công tư phòng chống lao còn hạn chế...

Để hỗ trợ bệnh nhân mắc lao có hoàn cảnh khó khăn, ông Phạm Hữu Thường cho biết, thời gian qua, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động huy động nguồn tài chính giúp đỡ người dân nghèo được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt căn bệnh lao. Trong đó có hoạt động tổ chức đấu giá thành công bức ảnh “Gương mặt lo lắng chờ đợi kết quả các bác sĩ” trị giá 51 triệu đồng để ủng hộ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao; trong năm 2018, bệnh viện còn tổ chức khám, xét nghiệm lao miễn phí cho hơn 1.500 người nghèo, người vô gia cư tại 3 quận, huyện gồm: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và Thanh Trì.

Tiến tới có thể thanh toán bệnh lao vào năm 2030, ông Phạm Hữu Thường cho biết, Chương trình chống lao thành phố Hà Nội đã bám sát vào các mục tiêu, thực hiện sự chỉ đạo của các cấp và tăng cường tập trung vào các hoạt động phát hiện sớm bệnh trong cộng đồng như: Tăng cường phát hiện bằng cách phối hợp với các hệ thống y tế công và tư nhân trong công tác phòng chống lao, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật chẩn đoán mới; khuyến khích người dân chụp Xquang phổi phát hiện sớm bệnh lao, phát hiện chủ động bệnh lao ở các đối tượng, đặc biệt như người nhiễm HIV, khu vực trại giam, trung tâm cai nghiện. Bên cạnh đó, mở rộng quản lý lao kháng đa thuốc; tăng cường sàng lọc lao ở trẻ em bao gồm cả điều trị bệnh lao và điều trị dự phòng lao.

Ngoài ra, để công tác phòng chống lao đạt kết quả tốt, chỉ ngành y tế vào cuộc chưa đủ, mà cần sự tham gia của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, cộng đồng chung sức, chung lòng, tích cực tham gia hoạt động phòng chống bệnh lao. Đồng thời, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hại của bệnh lao, giảm mặc cảm, kỳ thị với người mắc bệnh lao; cung ứng thuốc chữa bệnh lao phù hợp cho công tác phòng chống bệnh lao kịp thời; tạo điều kiện tốt hơn về dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc lao.

Thiện Tâm

Top