Quận Hai Bà Trưng: Tỷ lệ hòa giải thành công hàng năm đạt trên 87%

19/11/2018 10:29 AM

(Chinhphu.vn)-Trong 9 năm qua, các tổ hòa giải của quận Hai Bà Trưng đã hòa giải thành 1.462/1.616 vụ, khi có phát sinh tại các địa bàn dân cư, tổ dân phố các hòa giải viên kịp thời phát hiện và chủ động giải quyết.

9 năm qua, Chương trình phối hợp số 1258/CTPH-BTP-BTTUBTƯMTTQVN ngày 24/4/2009 giữa Bộ Tư pháp và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên phạm vi tỉnh, thành phố, việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo.

Qua đó, góp phần giải quyết trực tiếp những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đã hạn chế được đơn, thư khiếu nại vượt cấp trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến nay, toàn quận có 217 tổ hòa giải với 1.378 hòa giải viên (tăng 1 tổ hòa giải so với năm 2017 và 201 hòa giải viên. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ phường thực hiện lồng ghép hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở.

Quận cũng tăng cường công tác phối hợp giữa các “Nhóm nòng cốt” với các Tổ hoà giải, Ban thanh tra nhân dân, Ban GSĐTCCĐ theo các dự án mỗi “Nhóm nòng cốt” có các hình thức tuyên truyền phong phú, hướng dẫn các hộ dân chấp hành các quy định pháp luật về trật tự xây dựng đô thị, tránh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Kết quả, trong 9 năm, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 1.462/1.616 vụ, khi có phát sinh tại các địa bàn dân cư, tổ dân phố các hòa giải viên kịp thời phát hiện và chủ động giải quyết, khi có vướng mắc không giải quyết được các hòa giải viên phối kết hợp với chính quyền phường giải quyết. Ủy ban MTTQ từ quận đến cơ sở thực hiện mở sổ tiếp công dân, thường xuyên trực tại phòng làm việc để tiếp, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của người dân và tiếp nhận thông tin qua điện thoại; đã tiếp nhận hơn 1.975 đơn thư, kiến nghị của nhân dân, chuyển cơ quan chức năng giải quyết 1.784 ý kiến.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, cơ quan tư pháp từ quận đến phường luôn phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình theo dõi, kiểm tra hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên để kiến nghị UBND cùng cấp có biện pháp giải quyết, tháo gỡ.

Từ quận đến phường thường xuyên cung cấp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của công tác hòa giải cơ sở, thường xuyên cung cấp văn bản tài liệu pháp luật cho các tổ hòa giải ở cơ sở. Biên soạn, in và phát 103.000 tờ gấp truyên truyền Luật bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 và 93.000 tờ gấp Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Một số nội dung cơ bản của Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017; một số nội dung cơ bản của Luật Dân sự, một số nội dung cơ bản về luật tạm giam, tạm giữ... đến các hộ gia đình trên địa bàn quận; đồng thời phát 1.500 cuốn sách tìm hiểu Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, 1.420 cuốn sách tìm hiểu pháp luật các loại và hơn 70.000 tờ gấp các loại do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục thành phố Hà Nội phát hành đến UBND các phường trong đó có các tổ hòa giải cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương đã quan tâm xem xét, kiến nghị chính quyền cùng cấp đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải ở địa phương về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất khác.

Ngoài việc, hàng năm tổ chức tập huấn về các văn bản luật cho từng hòa giải viên thì UBND quận trong năm 2017 đã trang bị 216 túi sách pháp luật cho các tổ hòa giải viên với 11 đầu sách luật cơ bản.Túi sách pháp luật này được trang bị tới 216 Tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nhằm giúp cho các hòa giải viên có thêm tài liệu pháp luật làm cơ sở để các hòa giải viên vận dụng vào công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời, nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở, đảm bảo cho công tác hoạt động hòa giải đạt hiệu quả, cũng như phát huy tối đa vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.

Với những giải pháp trên, đến nay, hầu hết các tổ hòa giải trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định. Chất lượng hòa giảỉ được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hoà giải thành năm sau cao hơn năm trước, số vụ hoà giải thành ngày càng tăng, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Mạng lưới tổ hoà giải thường xuyên được củng cố, mở rộng thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia..., mọi tổ dân phố trên địa bàn đều có tổ hòa giải.

Tỷ lệ hòa giải thành công hàng năm đạt tỷ lệ cao (trên 87%). 100% các tổ hòa giải được rà soát và kiện toàn để đảm bảo lựa chọn được những hòa giải viên có tâm, có tầm có trình độ hiểu biết uy tín và sự nhiệt tình để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng có kết quả tốt.

Với quan điểm công tác hòa giải ở cơ sở là công tác có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là một hoạt động mang tính chất xã hội tự quản, là một cơ chế giải quyết tranh chấp tự nguyện và tự quản của người dân, thời gian tới, quận Hai Bà Trưng xác định sẽ tiếp tục nâng cao ý thức pháp luật của người dân bằng cách tăng cường hơn nữa công tác phổ biến pháp luật để mỗi người dân có ý thức và cư xử văn minh hơn sẽ giảm thiểu những mâu thuẫn, những hành xử thiếu văn minh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật, giáo dục cách hành xử từ trong các nhà trường; Tăng cường biên soạn các tài liệu tuyên truyền cho đối tượng là học sinh, sinh viên.

Đồng thời, tăng cường khuyến khích đối tượng là đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Huy Thành

Top