Quản lý chất lượng nông sản: ATTP trong toàn chuỗi

17/12/2018 2:27 PM

(Chinhphu.vn) - Giải quyết bất cập trong việc khan nguồn cung thực phẩm tại chỗ, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký kết hợp tác với các tỉnh, thành về cung ứng nông sản thực phẩm "sạch" cho Thủ đô, nhưng trên thực tế, tình trạng rau, thịt mất an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn được đưa về tiêu thụ trên địa bàn TP.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, Hà Nội hưởng ứng đợt cao điểm siết chặt vệ sinh ATTP để lấy lại niềm tin người tiêu dùng vào sản phẩm nội-Ảnh: Đỗ Hương

Vẫn còn cảnh “vơ bèo vạt tép”

Hiện phần lớn thực phẩm từ các tỉnh, thành đưa về được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP gặp nhiều khó khăn...

Theo ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sơn La từng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn sản phẩm rau mất ATTP của Sơn La đưa về tiêu thụ trong chuỗi siêu thị tại Hà Nội. Ngay khi Hà Nội thông tin việc phát hiện mẫu rau mất an toàn, lực lượng chức năng của Sơn La đã tiến hành truy xuất nguồn gốc. Ông Cường cho rằng, trong quản lý vẫn còn kẽ hở là khi thiếu rau, bà con có thu mua thêm rau từ bên ngoài theo kiểu “vơ bèo vạt tép”!

Theo ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội tổng kết qua nhiều đợt kiểm tra gần đây: “Việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng tối đa cho phép trong một số mẫu rau chứng tỏ tình trạng sử dụng thuốc BVTV vẫn chưa tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, chưa đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt, dư lượng chất cấm trong các mẫu thịt lợn, thịt gà chứng tỏ người chăn nuôi vẫn lạm dụng chất tạo nạc và hóa chất kháng sinh kích thích tăng trưởng”.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận: “Hiện nay mới kiểm soát được một số chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn cho Hà Nội. Thời gian tới, cần phải tăng cường hơn nữa từ công tác giám sát, kiểm nghiệm, thông tin báo cáo, truy xuất, triệu hồi sản phẩm mất an toàn”.

Cùng với đó, theo Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ, nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo ATTP vẫn tồn tại. Một số văn bản Trung ương chưa đồng nhất gây khó khăn cho công tác quản lý. Ông Tụ phân tích, trong một số văn bản có giải thích từ “kinh doanh” tại Luật ATTP năm 2010 không bao gồm dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 lại khái niệm “kinh doanh” bao gồm cả công đoạn sản xuất, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích có lãi. Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cũng cho biết, khi xử lý hàng hết hạn sử dụng, theo Nghị định 185 của Chính phủ thì xử phạt và tịch thu hàng hóa, nhưng theo hướng dẫn mới của Cục Quản lý chất lượng thì có xử lý mà lại không tịch thu.

Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác ATTP tại ngành Nông nghiệp, Công Thương và các quận, huyện, xã, phường còn thiếu và trình độ quản lý ATTP hạn chế, chưa có chuyên trách về công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, trong khi một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt thì không ít người tiêu dùng lại dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm.

Siết chặt “bắt tay”

Phó Trưởng Ban chỉ đạo ATTP TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tại Kế hoạch 119 của TP đã chỉ ra 7 hạn chế, yếu kém trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Khắc phục những hạn chế này, Sở Y tế, Công Thương, NN&PTNN và UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực vào cuộc trong một năm qua với gần 154.000 cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm, xử lý hành chính hơn 14 tỷ đồng, buộc tiêu hủy vi phạm hàng hóa trị giá hơn 3 tỷ đồng.

 

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Tuy nhiên, hiện nay còn có HTX thu mua sản phẩm không đảm bảo chất lượng ở bên ngoài, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Do đó, để quản lý tốt ATTP nông, lâm, thủy sản đòi hỏi vai trò kết nối của các tỉnh, TP càng trở nên quan trọng hơn. Trong đó, mỗi tỉnh, thành cần phải xây dựng các chỉ dẫn địa lý cụ thể từ nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: “Hà Nội và các tỉnh phải đẩy mạnh tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến theo quy trình an toàn. Đồng thời, cơ quan Nhà nước phải lấy mẫu kiểm tra, xác nhận sản phẩm an toàn để thông báo cho người dân. Đây là cốt lõi của đợt cao điểm để tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Chỉ khi nào người tiêu dùng có lòng tin, chúng ta mới triển khai thành công chương trình”.

Bên cạnh quản lý chuỗi làm ra trên địa bàn, Hà Nội còn phải liên kết quản lý sản phẩm của các tỉnh. Theo đánh giá, nguy cơ sản phẩm sản xuất để cung ứng cho thị trường TP lớn mất an toàn cao hơn rất nhiều so với tự cung tự cấp hay sản xuất lưu thông cho địa bàn xã, huyện.

Đặc biệt, về triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP năm 2018-2020, Phó Trưởng Ban chỉ đạo ATTP TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền lưu ý, hệ thống đã phân ra 3 cấp, nhưng cần có một quy trình từ tiếp nhận, xử lý thông tin và đưa ra cảnh báo. “Phải phân công cụ thể ai là người chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin ở mỗi cấp. Cơ quan Nhà nước giám sát, hậu kiểm như thế nào để kiểm tra lại thông tin đã tiếp nhận có đúng hay không, xác nhận mức độ tin cậy của thông tin để từ đó đưa ra cảnh báo đến người dân. Đồng thời, cũng cần có quy định về cảnh báo, tránh trường hợp cảnh báo sai. Thực hiện mô hình này phải khác so với đảm bảo ATTP thường quy đang làm, phải chỉ ra được người dân cần gì, thị trường thực phẩm thay đổi như thế nào, vấn đề đảm bảo ATTP có thay đổi hay không”, TS Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, hệ thống cảnh báo nhanh được xây dựng ở 3 cấp TP; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo ATTP sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý cảnh báo về ATTP trên địa bàn TP, từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo nhanh cho cộng đồng.

Đỗ Hương

Top