Quản lý đất đô thị là vấn đề được đa số cử tri quan tâm

24/01/2019 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Trong nhiều vấn đề được cử tri quan tâm trong thời gian qua việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử đụng đất đai tại đô thị luôn được người dân quan tâm.

Đoàn Giám sát Quốc hội làm việc với UBND TP. Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Trưởng đoàn Giám sát của của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết như trên tại buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử đụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 tổ chức chiều nay (24/1) tại UBND TP. Hà Nội.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Trưởng đoàn Giám sát của Quốc hội, đất đai là nguồn lực quan trọng của đất nước, đóng góp vào sự phát triển của các địa phương, vào thu ngân sách của nhà nước. Việc sử dụng hiệu quả nguồn đất đai là trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị. Trưởng đoàn Giám sát nhấn mạnh, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật trong công tác quản lý đất đai.

Đoàn Giám sát của Quốc hội cho biết nội dung giám sát liên quan đến 3 vấn đề: Về đánh giá các cơ chế, chính sách của địa phương ban hành trong thời gian qua đã đạt được mục tiêu nâng cao hiệu lực hiệu quả đất đai hay chưa; quá trình triển khai cơ chế, chính sách, kết quả đạt được cũng như những khó khăn và nguyên nhân cụ thể; các kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách để sử dụng đất đai hiệu quả hơn.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thực hiện quy định của Luật Đất đai năm 2013, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện, ban hành các văn bản quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền liên quan đến các lĩnh vực: Giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, cấp GCN quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy định về giá các loại đất, việc xác định giá đất cụ thể khi giao đất, cho thuê đất…

Hà Nội cũng nêu các khó khăn, vướng mắc hạn chế như một số văn bản còn chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội đặc thù của Thủ đô; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, quy phạm xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế còn nhiều nội dung chưa được quy định cụ thể… dẫn đến việc quản lý dân số, tính toán hạ tầng xã hội gặp nhiều khó khăn.

Về quản lý đất đai tại đô thị, Thành phố đã xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính. Ở giai đoạn 1 đã hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị ban hành; giai đoạn 2 đã cơ bản xong đoạn ký pháp lý, một số phường xã đang hoàn thiện hồ sơ; giai đoạn 3 hiện đang được hoàn thiện hồ sơ để ký pháp lý. Bản đồ hành chính của Hà Nội cũng được lập năm 2014 và bàn giao cho các cơ quan, đơn vị, các quận, huyện, thị xã tiếp nhận để sử dụng thay thế cho bản đồ hành chính cũ.

Thành phố cũng hoàn thành dự án Đo đạc hiện trạng và cắm mốc ranh giới sử dụng đất cho các nông lâm trường, trạm trại và đất rừng trên địa bàn; hành thành dự án hiện đại hóa và hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai; cơ bản hoàn thành dự án đo đạc phục vụ công tác dồn điền đổi thửa. Hiện đang tập trung triển khai dự án tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, TP. Hà Nội cũng nêu kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục tổ chức rà soát, điều chỉnh một số nội dung Luật và các văn bản hướng dẫn Luật phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của Thủ đô; xem xét nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù đối với các dự án xây dựng, cải tạo chung cư cũ…

Gia Huy

Top