Quản lý, điều hành xã hội đều cần có sự tham gia của người dân

19/02/2019 12:08 PM

(Chinhphu.vn) - Phát biểu tại tọa đàm “Tính liên tục và sự thay đổi trong mô hình xã hội Bắc Âu - thích ứng trong kỷ nguyên số”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định quá trình quản lý, điều hành xã hội của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền TP. Hà Nội đều cần có sự tham gia của người dân và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tọa đàm với chủ đề “Tính liên tục và sự thay đổi trong mô hình xã hội Bắc Âu - thích ứng trong kỷ nguyên số”. Ảnh: Diệp An

Sáng 19/2, nhân kỷ niệm Ngày Bắc Âu 2019, Đại sứ quán Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tính liên tục và sự thay đổi trong mô hình xã hội Bắc Âu - thích ứng trong kỷ nguyên số”.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS. TS Nguyễn Viết Thảo khẳng định rằng nhận thức được xu thế toàn cầu khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nổ ra, Việt Nam đã và đang vận dụng công nghệ số vào tiến trình phát triển đất nước. Xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh là một trong những chiến lược hàng đầu mà Việt Nam đặt ra. Khi vận dụng được dữ liệu, tri thức từ trường không gian số sẽ đem lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội tiệm cận với trình độ phát triển của thế giới.

Buổi tọa đàm là cơ hội để Việt Nam tham khảo nhiều ý kiến đa chiều từ các nước bạn và vận dụng một cách sâu sắc hơn, linh hoạt hơn trong tiến trình phát triển của đất nước, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thay mặt cho bốn nước Bắc Âu phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm, Đại sứ Phần Lan Kari Kahiluoto cho biết, tất cả các nước Bắc Âu đều phụ thuộc chặt chẽ vào tự do thương mại quốc tế và một hệ thống điều hành hoạt động hiệu quả. Tất cả các quốc gia Bắc Âu đều đang trải qua quá trình triển khai các chiến lược quốc gia về số hóa. Các chính sách này đều tập trung vào xây dựng chính phủ điện tử, hỗ trợ tăng trưởng và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo an ninh số. Dù vậy, mỗi quốc gia đều có những vấn đề khó khăn riêng và phải giải quyết các vấn đề đó theo cách của mình.

Theo Đại sứ Phần Lan, số hóa đem lại lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Khu vực nhà nước và tư nhân phải có những thay đổi quan trọng liên quan tới các vấn đề như quản trị, dịch vụ, sản xuất và phân phối, đòi hỏi phải tăng cường tính hiệu quả, phải có cách tư duy mới, các trình độ năng lực mới, mô hình kinh doanh mới và chính sách mới. Số hóa là một công cụ để đổi mới, đơn giản hóa và cải tiến. Tuy nhiên, cần phải giữ vững các nguyên tắc đạo đức đúng đắn và không được quên rằng, chính con người chứ không phải máy móc, sẽ đảm nhận vị trí “người cầm lái”. Điều này không chỉ đúng với Na Uy mà với cả xã hội Bắc Âu nói chung.

Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg cho biết thêm, nếu tính riêng, mỗi trong số các quốc gia Bắc Âu đều nhỏ nhưng cùng nhau tạo nên nền kinh tế lớn thứ 11 của thế giới. Bắc Âu là khu vực đổi mới và sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực phúc lợi, giáo dục, kinh doanh, bền vững và nghiên cứu. Điều này đã tạo nền tảng vững chắc để phát triển các xã hội thông minh. Đại sứ cho biết sẽ tiếp tục hợp tác cùng các nước khác, trong đó có Việt Nam để giải quyết những thách thức và tận dụng những cơ hội trong kỷ nguyên số.

Phát biểu tại Tọa đàm, cung cấp thông tin làm rõ nội dung được hiệp hội, các quốc gia đang quan tâm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam cấp khoảng 4.000 giấy phép cho các hiệp hội, tổ chức chính trị xã hội hoạt động như: Hội người mù, Hội cao tuổi, Hội khuyến học,… Các tổ chức này đều có nhóm tổ chức đến tận phường, cụm dân cư  để giám sát chính sách của Chính phủ và Thành phố với nhóm đối tượng của họ. Đồng thời đưa ra khuyến nghị, đề xuất vào chính sách cho các đối tượng về hỗ trợ họ trong đào tạo nghề, kiến thức để giúp họ hòa nhập với cộng đồng.

Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, chính sách của mỗi quốc gia thì phải gắn với đặc thù và từng giai đoạn phát triển của quốc gia đó. Các chính sách an sinh xã hội của các nước Bắc Âu rất phát triển vì có nguồn lực tài chính dồi dào, song hành với trình độ phát triển xã hội và yêu cầu của người dân. Tại Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên đán, Nhà nước đảm bảo cho mọi công dân đều có Tết; người già người nghèo, người có công, đối tượng yếu thế được quan tâm. Đặc biệt là những người cao tuổi từ 75-80 tuổi được Chủ tịch nước tặng quà và gửi thư chúc mừng…

Đối với Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 1,16%, một số quận không có hộ nghèo. Người nghèo được hỗ trợ vay vốn để thoát nghèo, được đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định. Hằng năm cộng đồng doanh nghiệp, các hảo tâm đều có sự hỗ trợ cho người nghèo.

Trong quá trình phát triển, Việt Nam đang học tập các mô hình xã hội tiên tiến. Việc áp dụng các mô hình phải phù hợp với trình độ phát triển, văn hóa và được đại bộ phận người dân Việt Nam chấp nhận. Mọi giải pháp, mô hình đều phải hướng đến người dân.

Diệp An

Top