Quản lý kinh doanh trái cây: Cần chặt chẽ ngay từ ‘gốc’

25/06/2018 2:40 PM

(Chinhphu.vn)-Để nâng cao chất lượng cửa hàng kinh doanh trái cây, các ngành chức năng trên địa bàn Thành phố cần tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra những cửa hàng kinh doanh trái cây, xử lý nghiêm những trường hợp không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ.

Trái cây cần có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Diệu Anh

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và chủ động thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở chuyên doanh trái cây trên địa bàn Thành phố. Hiện có 175 tổ chức và hơn 300 cá nhân hoạt động kinh doanh trái cây tại nhiều cửa hàng trên các tuyến phố và khu dân cư trên địa bàn 12 quận; 572 cửa hàng tiện ích và cửa hàng chuyên doanh trái cây.

Trong số này, khoảng 30% cửa hàng có tủ bảo quản trái cây, 50% cửa hàng có giá kệ bày trái cây, còn lại cơ bản dùng sạp để bày và hầu hết không có biển hiệu. Tuy nhiên, nhiều người bán trái cây chưa có đủ kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo quản trái cây, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc cũng gặp phải khó khăn do một số hộ kinh doanh trái cây ở các chợ đầu mối không có hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ khiến các cửa hàng kinh doanh khi mua trái cây tại chợ đầu mối về bán cũng không có giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ.

Không chỉ vậy, người tiêu dùng vẫn giữ thói quen tiện đâu mua đấy, không chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trái cây và vô tình “tạo điều kiện” cho các địa điểm kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè tồn tại.

Cùng với đó, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn trong xử lý vi phạm, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trái cây. Một số hộ kinh doanh trái cây nhỏ lẻ nhận thức còn hạn chế nên chưa phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng trong việc hoàn thiện các thủ tục cũng như điều kiện thực tế để được cấp các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm, cấp biển nhận diện…

Xử lý nghiêm trường hợp không tem nhãn

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để nâng cao chất lượng trái cây bán ở cửa hàng, chợ dân sinh, Sở tiếp tục đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra những cửa hàng kinh doanh trái cây... Qua đó, xử lý nghiêm những trường hợp không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ.

Sở phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người kinh doanh mặt hàng này. Đối với trái cây đã sơ chế, đóng gói phải bảo đảm rõ thông tin về cơ sở sơ chế, đóng gói; đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; khuyến khích dán tem nhãn QR code, tem trên bao bì mặt hàng trái cây phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc trái cây bằng thiết bị di động.

Đối với mỗi lô hàng trái cây kinh doanh tại cửa hàng, cửa hàng phải nhập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp; hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh việc mua trái cây. Đối với trái cây nhập khẩu, phải có thêm các thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ và giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm trái cây nhập khẩu theo quy định. Trái cây được kinh doanh phải nguyên vẹn, không dập nát hoặc bị hư hỏng, bề mặt không thâm, không thối, không ủng, không mốc, bảo đảm mùi vị đặc trưng, không có mùi vị lạ.

Để đạt được mục tiêu kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại và bảo đảm an toàn thực phẩm, cùng với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2018, tất cả người kinh doanh được đào tạo, tập huấn an toàn thực phẩm và các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận được cấp biển nhận diện.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án này bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả đến người tiêu dùng; tuyên truyền đến các cửa hàng kinh doanh trái cây về các điều kiện để được cấp biển nhận diện.

Các lực lượng chức năng quận cần xử lý triệt để việc kinh doanh, buôn bán trái cây trên vỉa hè, lòng đường; đồng thời rà soát quỹ đất còn trống, nhất là các tại các chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh theo đúng quy định, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Diệu Anh

Top