Quản lý tổ chức lễ hội đã đi vào nề nếp

22/03/2016 5:19 PM

(Chinhphu.vn) - Các lễ hội Xuân Bính Thân 2016 trên địa bàn được tổ chức nề nếp, các lễ hội đã khơi dậy, khuyến khích người dân quan tâm bảo tồn, làm giàu, phát huy và phát triển những nét đẹp truyền thống, di sản văn hóa của Thủ đô.

Ảnh minh họa

Đánh giá của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho thấy, các lễ hội diễn ra vui tươi, đúng quy định, kế hoạch đề ra, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, trò chơi dân gian, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được đưa vào lễ hội. Nhiều địa phương đã kết hợp ngày hội truyền thống để tổ chức tôn vinh những gia đình văn hóa tiêu biểu, người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến rất có ý nghĩa.

TP. Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung thanh tra, kiểm tra các lễ hội có quy mô tổ chức lớn, đồng thời có công văn nhắc nhở, hướng dẫn các địa phương thực hiện giám sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Riêng đối với lễ hội chùa Hương, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất, từ đó khắc phục những tồn tại, yếu kém, những hoạt động làm ảnh hưởng tới lễ hội như chèo kéo, bắt chẹt khách, bày bán hàng quán gây phản cảm, mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Đoàn kiểm tra đã cùng Ban tổ chức lễ hội tuyên truyền, kiên quyết xử lý nghiêm các hộ, cá nhân làm dịch vụ đổi tiền lẻ, tổ chức ký cam kết không tái phạm.

Qua kiểm tra, đã chỉ ra và đề xuất nhiều biện pháp khắc phục để lễ hội chùa Hương diễn ra bảo đảm an toàn, trang nghiêm và có ý nghĩa.

Theo Ban tổ chức lễ hội chùa Hương, mùa lễ hội năm 2016 có 318 hàng quán hoạt động, 5.000 đò được phép hoạt động luân phiên. Phương tiện mới nhất được Ban tổ chức đưa vào hoạt động trên suối Yến là thuyền chạy bằng điện ắc quy, vừa chạy nhanh, không tốn sức và thân thiện với môi trường, không tạo sóng, mùi xăng.

Tại đền Gióng, huyện Sóc Sơn, lễ hội năm 2016 đã diễn ra bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và an toàn cho nhân dân về tham dự lễ hội. Các nghi lễ rước diễn ra đúng kịch bản, hoa tre và trầu cau được rước về đúng nơi quy định. Các thôn làng tham gia rước lễ tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Ban tổ chức.

Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa và Thể thao, mùa lễ hội năm 2016 vẫn còn một số tồn tại như ở một số lễ hội, các dịch vụ bán hàng, quán bầy bán đan xen trong di tích gấy mất mỹ quan và làm ách tắc giao thông; công tác vệ sinh môi trường chưa thực sự bảo đảm, nhiều lễ hội chưa có đủ thùng rác, thiếu nhà vệ sinh công cộng; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số lễ hội chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, hiện tượng cờ bạc dưới hình thức vui chơi có thưởng, bầu tôm, cua cá còn diễn ra tại một số lễ hội làng; một số nơi còn đặt nhiều hòm công đức, bán lộc, đổi tiền lẻ; còn hiện tượng tranh giành khách, chặn ô tô, xe máy đón khách; giá trông giữ ô tô, xe máy còn vượt quy định.

Lý giải điều này, Theo Sở Văn hóa và Thể thao, Hà Nội là địa phương có số lượng lễ hội nhiều, thời gian kéo dài, đây là lợi thế cho việc phát triển văn hóa du lịch nhưng cũng đặt ra vấn đề không nhỏ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội hàng năm của các cơ quan chức năng. Một số tồn tại trong các lễ hội chủ yếu diễn ra ở các lễ hội có quy mô nhỏ, diễn ra trong phạm vi làng, xã.

Tuy nhiên, là cơ quan thường trực giúp Thành phố quản lý các lễ hội trên địa bàn, đặc biệt trong thời gian tới Hà Nội còn tiếp tục diễn ra các lễ hội lớn, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tăng cường chỉ đạo các quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn để bảo đảm lễ hội mùa Xuân 2016 diễn ra an toàn, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân.

Gia Huy

Top