Quốc Oai: Hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

04/09/2019 2:28 PM

(Chinhphu.vn) - Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Quốc Oai tiếp tục duy trì thực hiện các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần phát triển huyện Quốc Oai ngày càng văn minh, hiện đại.

Mô hình nuôi gà ở Quốc Oai mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thành Nam

Là địa bàn rộng lớn nằm ở ngoại thành Hà Nội với phần đông dân số sống bằng nghề nông, từ lâu, Quốc Oai đã xác định Đề án xây dựng NTM là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhà.

Ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Quốc Oai có xuất phát điểm thấp, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, các tiêu chí đạt rất thấp... Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, có cách làm khoa học, bài bản, những khó khăn đã dần được tháo gỡ. Đến hết năm 2017, huyện đã có 20/20 xã được công nhận đạt nông thôn mới; hoàn thành trước 2 năm so với kế hoạch huyện đề ra.

Cụ thể, từ năm 2011 đến 2018, huyện đã huy động được 3.374 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Quốc Oai còn tích cực huy động sự tham gia đóng góp thông qua việc xã hội hóa, tạo sự bền vững cho phong trào xây dựng NTM. Toàn huyện đã nhận được 13,2 ha đất nhân dân hiến để làm đường giao thông và hàng trăm tỷ đồng người dân đóng góp xây dựng NTM.

Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội trên địa bàn được đầu tư bài bản, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đến nay, toàn huyện có 73,9% số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 100% số thôn có điểm sinh hoạt văn hóa; 82% số hộ dân được sử dụng nước sạch; toàn huyện đã nâng cấp, cải tạo được hơn 799km đường giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng mới 21 hệ thống chiếu sáng công cộng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong phát triển nông nghiệp, huyện đặc biệt coi trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quy hoạch vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp theo vùng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; được nhân dân tích cực hưởng ứng đã tạo nhiều sự chuyển biến tích cực, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phê duyệt cho 16 xã vùng quy hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn với tổng diện tích 2.702,6 ha; định hướng cho các xã ven sông Đáy tập trung phát triển vùng cây ăn quả, rau an toàn; các xã bán sơn địa phát triển trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đã quy hoạch, phát triển 7 vùng sản xuất chuyên canh tập trung định hướng phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ các HTX, các hộ gia đình tham gia và thực hiện sản xuất theo chuỗi. Giá trị kinh tế năm 2018 đạt 138,8 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2010.

Công tác chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân đã được huyện quan tâm thực hiện, đồng hành với các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn về giảm nghèo, y tế, giáo dục,...; kết hợp với phát huy tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề, các thành phần kinh tế trên địa bàn, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm (năm 2010 đạt 13,7 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện chỉ còn 0,46%.

Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp gắn xây dựng NTM nâng cao

 

Sau khi hoàn thành xây dựng NTM, huyện Quốc Oai tiếp tục duy trì thực hiện các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Theo đó, trong giai đoạn tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2%/năm trở lên; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của huyện theo chuỗi giá trị, quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP; xác định rõ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, triển khai hiệu quả Chương trình.

 

Tiếp tục duy trì xã, huyện NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; phát triển nông thôn ổn định, đời sống nông dân không ngừng được nâng cao, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Trình độ dân trí được nâng lên, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Phấn đấu xây dựng 100% các trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 50% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trở lên nhằm duy trì tiêu chí trường học và tiêu chí giáo dục trong chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao.

Song song với đó, huyện sẽ tập trung thực hiện các tiêu chí về xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp gắn xây dựng NTM nâng cao; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Thành Nam

Top