Quốc Oai: Khai thác tiềm năng du lịch để phát triển bền vững

04/07/2018 5:12 PM

(Chinhphu.vn) – Huyện Quốc Oai nằm ở phía Tây, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, có điều kiện tự nhiên, văn hóa khá thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh về cảnh qua và các khu di tích lịch sử văn hóa, huyện Quốc Oai đã xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung kêu gọi các nhà đầu tư coi đây là đòn bẩy trong phát triển kinh tế của huyện.

Chùa Thầy. Ảnh: TTXVN

Huyện Quốc Oai là địa bàn giao thoa giữa khu vực đồi núi với khu vực đồng bằng nên có cảnh quan đa dạng, với quần thể thắng cảnh di tích quốc gia đặc biệt núi Thầy, động Hoàng Xá, núi đá ở Phượng Cách, trước đây được mệnh danh là “Thập bát kỳ sơn”, tạo ra cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. 

Đặc biệt, chùa Thầy là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội và của Quốc gia. Khu vực đồi núi phía tây quốc lộ 21A tại xã Phú Mãn, Đông Xuân, cảnh quan đầm hồ ở Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Cát, cảnh quan vùng bãi khu vực ven sông Đáy, cảnh quan nội đồng… đây là những khu vực có tiềm năng lớn thuận lợi cho phát triên du lịch sinh thái. 

Ông Đỗ Lai Luật Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, cho biết, những năm gần đây để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, tín ngưỡng, huyện đã ưu tiên phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách bằng cách  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị tiêu biểu, độc đáo của chùa Thầy trên Cổng thông tin điện tử của huyện, phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời in các ấn phẩm giới thiệu về chùa Thầy một cách ngắn gọn và sinh động, in sách giới thiệu tóm tắt các giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của chùa Thầy làm sản phẩm văn hóa phục vụ khách thăm quan du lịch. 

Bên cạnh đó phải có sự tham gia của chính người dân địa phương trong việc bảo tồn và giữ gìn các giá trị di sản văn hóa. Ngoài ra huyện cũng tập trung đầu tư, tôn tạo nâng cấp hệ thống các đình, đền mang bản sắc riêng của xứ Đoài trên địa bàn huyện như: đình So-xã Cộng Hòa, đình Ngọc Than-xã Ngọc Mỹ, đền Khánh Xuân-xã Liệp Tuyết...

Để đưa ngành du lịch thành lĩnh vực tạo ra thu nhập cho người dân, huyện đã xây dựng các mô hình tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch. Trong đó kết hợp phục vụ dịch vụ văn hóa với việc bán các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: Mộc dân dụng, mây tre giang đan, chế biến nông sản, dệt len, đồ gỗ, làm nón...

Đối với du lịch sinh thái kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch. Các dự án đầu tư chuyên về du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch sinh thái tại huyện Quốc Oai. Việc xây dựng các mô hình canh tác các sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái là điều kiện để giới thiệu một cách đầy đủ và thực tế hơn về các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện cho du khách thập phương. Đây cũng là cơ hội để người nông dân tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của du khách. Với nhu cầu giải trí ngày càng cao của con người, các nhu cầu về giải trí, thư giãn, hội họp, ngày gặp gỡ bạn bè. Việc xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả, vườn ươm, kết hợp với mô hình dã ngoại, thăm quan nghỉ dưỡng theo kiểu nhà sàn, hồ câu tại các vị trí có lợi thế về kiến trúc cảnh quan và nhu cầu về vui chơi giải trí trên địa bàn.

Nhờ có tiềm năng lớn về du lịch, những năm gần đây Quốc Oai đã thu hút được nhiều các dự án đầu tư vào du lịch, cụ thể là các dự án vui chơi giải trí, thể thao, nhà vườn sinh thái… với diện tích và vốn đầu tư lớn. Hoạt động kinh doanh du lịch Quốc Oai có mức tăng trưởng đáng kể, nguồn thu từ ngành du lịch của huyện tăng theo từng năm, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Gỡ " khó" để thúc đẩy du lịch

Ông Đỗ Lai Luật cho biết, cùng với những thuận lợi vốn có, huyện cũng gặp phải một số khó khăn như: việc triển khai đầu tư các dự án phát triển du lịch tuy nhiều nhưng tiến độ còn chậm , ngân sách dành cho xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch còn hạn chế thiếu nguồn nhân lực được đào tạo nhất là về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ. Hệ thống cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông còn nhiều bất cập chưa đảm bảo yêu cầu phát triển du lịch. 

Những kết quả đạt được trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, việc triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch còn chậm, khai thác tài nguyên du lịch hiệu quả chưa cao, chưa khắc phục được tình trạng mùa vụ trong du lịch. Việc gắn du lịch với các danh lam thắng cảnh và các hoạt động lễ hội truyền thống làng nghề còn yếu, các sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng còn thấp, các khu vui chơi giải trí mới được triển khai, cơ sở hạ tầng môi trường sinh thái phục vụ khách còn hạn chế, việc bảo vệ gắn với tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch.

Hiện nay, du lịch Quốc Oai chỉ tập trung vào các địa bàn: Sài Sơn, Thị trấn, còn lại các khu vực khác như: Phú Mãn, Hòa Thạch, Phú Cát, khu vực Bãi ven sông Đáy có tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác, sản phẩm du lịch còn hạn chế, chất lượng chưa đạt yêu cầu để thu hút khách du lịch.

Theo Phó Chủ tịch huyện Quốc Oai, để du lịch Quốc Oai thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện tập trung triển khai quy hoạch tổng thể, đồng thời kêu gọi đầu tư hạ tầng cơ sở khu du lịch, xây dựng mô hình tổ chức quản lý, khai thác các khu, điểm tham quan. Có chương trình phục hồi và bảo tồn các loại hình văn nghệ, làng nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm đồ lưu niệm phục vụ du khách; phát triển các sản phẩm của địa phương.

Với tinh thần quyết tâm cao, sự nỗ lực, năng động của cả hệ thống chính trị, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, vào cuộc của người dân địa phương, trong thời gian không xa, huyện Quốc Oai đang được kỳ vọng sẽ là lựa chọn, điểm đến lý tưởng của nhiều du khách và sẽ là một điểm sáng về mô hình phát triển kinh tế du lịch bền vững của thành phố Hà Nội.

Minh Anh

Top