Quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

24/06/2019 11:38 AM

(Chinhphu.vn) - Muốn ngành công nghiệp Hà Nội phát triển mạnh mẽ, bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp, đòi hỏi ngành Công Thương Thủ đô phải đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thùy Linh

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, 6 tháng vừa qua, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp mặc dù đạt mức tăng trưởng 7,72% nhưng mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2018 đạt 7,77%. Điều đó cho thấy, mức tăng trưởng ngành công nghiệp Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại.

Thực tế thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội chỉ thu hút được 64 triệu USD vốn đầu tư, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong thời gian này, trong khi vốn đầu tư giảm sút, Ban quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã nhận hồ sơ chấm dứt hoạt động 6 dự án, 5 dự án giảm vốn đầu tư, đưa tổng số vốn đăng ký giảm 45 triệu USD...

Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ông Lưu Hải Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ mới Nhật Hải nêu thực tế, mặc dù, Chính phủ mong muốn phát triển khoa học công nghệ, coi đây là động lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo ra các đột phá của doanh nghiệp, nhưng bằng sáng chế của doanh nghiệp, các ngân hàng lại không coi đấy là tài sản, doanh nghiệp không thể thế chấp để vay vốn. Ông Lưu Hải Minh kiến nghị, Thành phố và Sở Công Thương có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn, đồng thời, cần có những hình thức cải cách công tác xúc tiến thương mại. Theo đó, thay vì các cách thức tổ chức Hội chợ truyền thống thì cần mời các chuyên gia về đào tạo cho các doanh nghiệp trong quảng bá, xúc tiến sản phẩm trên kênh thương mại điện tử.

Cùng chung ý kiến, đại diện công ty May 10, Sunhouse… cho rằng, trong quá trình mở rộng sản xuất, doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê để thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất chuyển nhượng, doanh nghiệp lại không được hưởng chính sách ưu đãi từ tiền thuê đất 0,5% phải chịu hệ số 1% hoặc cao hơn, điều này ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất.

Thực tế, để hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương cũng đã tham mưu, trình UBND Thành phố ban hành Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 18/2/2019, công bố danh mục thủ tục hành chính, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn Thành phố. Thực hiện rà soát 100% các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Công Thương, trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt 53 quy trình nội bộ giải quyết 124 thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động truyền thông, quảng bá cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố 2018.

Cùng với đó, Sở đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập năm 2018 và 3 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập trong tháng 4/2019…

Nhận định Hà Nội đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, liên tục trong nhiều năm qua, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2018, thành phố Hà Nội đã vươn lên thứ 9 (tăng 4 bậc so với năm ngoái) và lần đầu tiên đứng trong Top 10 bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Hà Nội đã và đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, liên tục trong nhiều năm qua; thể hiện rõ tinh thần cầu thị, quyết tâm thay đổi thứ hạng và trên hết là vì mục tiêu phục vụ doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Phương Lan cho hay, nhiệm vụ  đặt ra từ nay đến cuối năm của ngành Công Thương Hà Nội là hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, trọng tâm là cải thiện các chỉ số cạnh tranh còn thấp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển.

Thùy Linh

Top