Quyết liệt dập dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Sóc Sơn

24/05/2019 12:21 PM

(Chinhphu.vn) - Tính đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 26/26 xã, thị trấn; 74/180 thôn, làng; với trên 3,8 nghìn hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh (chiếm 30,7% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi).

* Nhiều xã, phường phát sinh dịch tả lợn châu Phi trở lại

* Dịch tả lợn Châu phi vẫn tiếp tục phát sinh tại các hộ chăn nuôi

* Dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh

Phó Bí thư thường kiểm tra công tác kiểm dịch tại chốt kiểm dịch xã Rung Giã, huyện Sóc Sơn - Ảnh: Thiện Tâm

Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy hơn  44,5 nghìn con (chiếm 36,4% tổng đàn); tổng trọng lượng tiêu hủy trên 3.078 tấn với số tiền đã hỗ trợ tiêu hủy lợn là 15 tỷ đồng.

Ngày 24/5, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh, Sóc Sơn là huyện có địa bàn rộng, giáp ranh với nhiều tỉnh, thành. Tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện đứng thứ 2 thành phố. Chăn nuôi lợn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, theo quy mô hộ gia đình, huyện có tổng số 12.429 hộ chăn nuôi tại 180 thôn làng của 26 xã, thị trấn; quy mô trung bình dưới 10 con/hộ, có 2 nghìn hộ có quy mô 30-100 con (chiếm 17% tổng số hộ), 67 hộ có quy mô từ 100-500 con và 4 trang trại có quy mô trên 1.000 con.

Huyện chưa có cơ sở giết mổ tập trung, có 11 cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; có 248 hộ kinh doanh thịt lợn không có cơ sở giết mổ cố định...

Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại huyện vào ngày 7/3, với ổ dịch đầu tiên 24 con lợn thương phẩm tại hộ chăn nuôi lợn thương phẩm tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu. Tính đến ngày 22/5, trên địa bàn huyện, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 26/26 xã, thị trấn; 74/180 thôn, làng... Một số xã có tỷ lệ mắc bệnh và tiêu hủy trên 50% tổng đàn như Phú Minh, Tân Hưng, Đức Hòa, Đông Xuân, Bắc Phú.

Qua kiểm tra thực tế tại chốt kiểm dịch xã Trung Giã, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã ghi nhận huyện Sóc Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch như: Tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các hộ chăn nuôi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách phòng, chống; đã chỉ đạo làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phun khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh động vật. Đồng thời đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, lập các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các ổ dịch, lập các Tổ kiểm dịch cơ động; tăng cường quản lý, ngăn chặn hành vi buôn bán gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc trên địa bàn huyện; kiểm tra, kiểm soát vận chuyển thức ăn dư thừa tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng; chỉ đạo giám sát việc tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn các xã...

Huyện cũng đã thực hiện nghiêm túc việc trực chốt tại chốt kiểm dịch liên ngành của thành phố. Kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch như vận chuyển, mua bán lợn bị bệnh, nghi mắc bệnh. Tổ chức tổng vệ sinh cơ giới, rắc vôi bột tại các trục đường chính tại các thôn, làng trên địa bàn huyện, vận động nhân dân mua thêm vôi bột để rắc chuồng trại chăn nuôi, xử lý nước thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Triển khai 6 đợt phun thuốc khử trùng môi trường và diệt ruồi muỗi do thành phố cấp trên địa bàn toàn huyện đảm bảo đúng kế hoạch .

Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiệu quả, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, trước mắt, huyên Sóc Sơn tập trung dập dịch dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, lãnh đạo huyện và xã, thị trấn chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Trong vùng đang xảy ra dịch, cần khuyến cáo nhân dân tuyệt đối không được nhập, tái đàn mới; nghiêm cấm các cơ sở chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Đặc biệt cần lập vành đai chống dịch, không cho vận chuyển lợn vào khu vực của địa bàn quản lý. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm từ bên ngoài vào trong trại chăn nuôi; lưu ý thịt lợn, sản phẩm không rõ nguồn gốc không được tận dụng làm thức ăn cho lợn. Tổ chức rà soát kỹ địa điểm chôn lấp, nghiêm cấm vứt lợn tiêu hủy (sông, ao, mương…) không đúng quy định. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ chuyên ngành và bảo hộ lao động trong quá trình phòng, chống, tiêu hủy lợn dịch.

Thiện Tâm

Top