Rà soát lại việc lát vỉa hè trên các tuyến đường

21/11/2017 4:10 PM

(Chinhphu.vn) – Theo ý kiến của Sở Xây dựng, các quận rà soát lại, chỉ những tuyến đường vỉa hè hư hỏng, xuống cấp thì mới triển khai lát lại và phải tuân thủ đúng chủ trương của Thành phố.

Ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (đứng) thông tin tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội chiều 21/11. Ảnh: Gia Huy

Chiều 21/11, thông tin về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội, liên quan đến việc lát vỉa hè đang được một số quận thực hiện, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thực tế vừa qua Thành phố có chủ trương triển khai lát đá vỉa hè trên các tuyến phố để thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", căn cứ vào chủ trương này hiện nay một số quận đang triển khai thực hiện.

Tuy nhiên theo ông Trần Việt Trung: "Có câu chuyện hiện nay đang có một số quận hiểu sai ý kiến chỉ đạo của Thành phố, do đó tổ chức lát vỉa hè ở một số vỉa hè vẫn còn sử dụng được".

Vì vậy thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành phố, Sở Xây dựng đã kiểm tra, đánh giá về chất lượng việc lát vỉa hè trên các tuyến phố. Theo ông Trần Việt Trung, qua kiểm tra cho thấy ở một số tuyến đường, chất lượng lát vỉa hè một số tuyến cần chấn chỉnh. Ví dụ như tuyến đường Bà Triệu, Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, ở nhiều gốc cây, trạm điện lát đá vỉa hè không được đẹp, chưa bảo đảm mỹ quan bởi lát quá gần gốc cây gây ảnh hưởng rễ cây. Sở Xây dựng đã kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và hiện nay các đơn vị đang chấn chỉnh.

Theo ông Trần Việt Trung, Sở Xây dựng đã tham mưu để UBND TP. Hà Nội có văn bản yêu cầu các quận rà soát lại, giữ nguyên những tuyến đường vỉa hè vẫn sử dụng được, chỉ lát lại vỉa hè những tuyến đường đã xuống cấp và hư hỏng.

Gần 2.000 công trình xây dựng vi phạm

Liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng, ông Trần Việt Trung cho biết, năm 2017 Đội Thanh tra xây dựng quận huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra trên 17 nghìn công trình xây dựng, trong đó đã phát hiện gần 2 nghìn công trình vi phạm quản lý trật tự xây dựng.

 

Trong số các công trình vi phạm, có 765 công trình xây dựng không phép; 334 công trình sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 69 công trình xây dựng ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường và 748 công trình xây dựng lấn chiếm trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp.

Hiện nay, các lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm trên 1.500 trường hợp vi phạm qua các biện pháp cưỡng chế tháo dỡ, tự khắc phục và các hình thức khác như hoà giải, bồi thường, cấp bổ sung giấy phép xây dựng. Hiện còn 345 trường hợp được UBND cấp xã, huyện đang tiếp tục giải quyết. So với năm 2016, số công trình vi phạm đã giảm 553 trường hợp, tỷ lệ thấp hơn so với năm 2016 là 2%; tỷ lệ công trình vi phạm đang tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền so với năm 2016 là 10%.

Tồn tại hiện nay là một số quận ven đô vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công như: Đông Anh, Hoài Đức, Hoàng Mai, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn... Việc xử lý vi phạm của địa phương còn lúng túng, thậm chí còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt, chưa kịp thời ngăn chặn xử lý vi phạm.

Nhiệm vụ năm 2018 được Sở đặt ra là phối hợp với các đơn vị chức năng kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy của lực lượng thanh tra xây dựng khi chuyển các Đội Thanh tra xây dựng địa bàn về UBND cấp huyện quản lý và xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý xây dựng giữa các cơ quan chức năng, không để chồng chéo chức năng nhiệm vụ, rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cấp chính quyền trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Còn 193 trường hợp "siêu mỏng, siêu méo"

Về việc giải quyết các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo", ông Trần Việt Trung cho biết, đối với trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn tại cũ tính đến năm 2016, đến nay Hà Nội đã giải quyết được 5 trường hợp, còn 132 trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" vẫn đang được các cơ quan chức năng giải quyết.

Đây là các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" là các trường hợp nhà, đất còn lại nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng thực hiện xây dựng 8 tuyến đường trục chính của Thành phố từ nhiều năm trước (Đào Tấn, Kim Mã, Liễu Giai...) không được đền bù và nhiều trường hợp hộ dân sinh sống, kinh doanh ổn định.

Bên cạnh đó là các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án giao thông trên địa bàn Thành phố, số lượng các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng theo kết quả tái kiểm tra tại các tuyến mới mở trên địa bàn: Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên... có tổng số 203 trường hợp, đã giải quyết được 147 trường hợp và còn 56 trường hợp đang tiếp tục giải quyết.

Hiện nay, Sở Xây dựng đã có văn bản để đôn đốc xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn tại cũ và hình thành sau giải phóng mặt bằng hai bên tuyến đường mới mở trên địa bàn. Sở Xây dựng đã thành lập tổ công tác liên ngành để đôn đốc kết quả thực hiện.

Gia Huy

Top