Rà soát, sắp xếp vốn cho các dự án trọng điểm

19/10/2018 9:38 AM

(Chinhphu.vn)-Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đang được giao theo dõi, quản lý, triển khai thực hiện 29 dự án công trình trọng điểm.

Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm

Trong số này, 2 dự án sử dụng vốn đầu tư công đã được hoàn thành đưa vào sử dụng; 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công và 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP đang được thi công, nhưng trong đó 1 dự án chưa đáp ứng tiến độ hoàn thành trong năm 2018 chủ yếu do vướng về giải phóng mặt bằng, 1 dự án cũng sẽ không hoàn thành theo tiến độ do thực hiện các thủ tục bổ sung.

Với 4 dự án sử dụng vốn đầu tư công và 18 dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa được khởi công, hiện chưa hoàn thành thủ tục chọn nhà đầu tư, có dự án cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch mới đang thực hiện đầu tư xây dựng cải tạo mở rộng phần đi bằng nên Ban đề xuất đầu tư giai đoạn sau.

Dự án cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên dự kiến khởi công quý I/2019, không đạt theo Nghị quyết 15 do sau khi được bổ sung vào Nghị quyết, thời gian thực hiện thực tế của các bước để phê duyệt dự án bị kéo dài nên đến tháng 8/2018 mới được phê duyệt dự án.

Với dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo Nghị quyết 15 phải khởi công trong 2017 nhưng do Ban mới được UBND TP giao tiếp nhận dự án từ Bộ GTVT và Thường trực HĐND TP mới phê duyệt chủ trương đầu tư từ 6/9/2018, nên đơn vị dự kiến khởi công trong quý IV/2019.

Ngoài ra, trong 18 dự án đầu tư theo hình thức PPP, có 15 dự án loại hợp đồng BT đều là chưa ký hợp đồng, Bộ Tài chính đang có ý kiến tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư đến khi Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) có hiệu lực thi hành; còn 3 dự án loại hợp đồng BOT/BT đang giai đoạn đề xuất dự án.

Trong cuộc làm việc mới đây giữa Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố với Ban Quản lý dự án, lãnh đạo Ban Quản lý chia sẻ, việc triển khai thực hiện các dự án công trình trọng điểm chủ yếu theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT, song quỹ đất thanh toán cho các dự án BT chưa được cân đối đủ. Vì vậy, Ban Quản lý dự án đề nghị UBND TP giao Ban chủ trì rà soát điều chỉnh, chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung trên địa bàn TP; sớm có văn bản kiến nghị Trung ương hướng dẫn việc sử dụng tài sản công để thanh toán theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Với những vấn đề nêu trên, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách của HĐND TP, bà Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, việc các dự án chậm tiến độ ngoài việc chưa có hướng dẫn quy trình thực hiện dự án theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ, còn do khó khăn công tác giải phóng mặt bằng. Vì thế bà Mai đề nghị, các quận, huyện: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Phú Xuyên, Ứng Hòa khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ cam kết.

Trong lúc chờ văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Ban Kinh tế ngân sách đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị rà soát các dự án, công trình cấp bách theo hình thức PPP, chuẩn bị các bước để triển khai ngay sau khi có hướng dẫn cụ thể.

Về bố trí vốn, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, bố trí kế hoạch vốn, căn cứ tiến độ thành phố giao và khả năng thực hiện của chủ đầu tư, hạn chế việc giao vốn nhưng không giải ngân hết, điều chuyển kế hoạch vốn sang năm sau.

Phương Duy

Top