Rau an toàn Hà Nội: Cần những chuỗi liên kết lan tỏa

20/09/2016 3:32 PM

(Chinhphu.vn) – Rau an toàn (RAT) là một trong những sản phẩm nông sản được Hà Nội tập trung phát triển sản xuất phục vụ thị trường ngay của thành phố rộng lớn này. Tuy nhiên, để người dân thực sự có niềm tin, tạo thị trường bền vững cho RAT thì cần có những liên kết bền chặt giữa người dân và doanh nghiệp (DN) để giữ được thương hiệu ngành hàng này.

Những mô hình sản xuất RAT sử dụng công nghệ cao đòi hỏi cần có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp để chuyển giao tới nông dân. Ảnh: Nguyễn Dũng

Nông dân vẫn loay hoay với RAT

Hầu hết các huyện ngoại thành ở Hà Nội đã và đang triển khai dự án trồng RAT; người dân cũng dần quen với quy trình sản xuất RAT. Tuy nhiên, hiện nay, người trồng RAT vẫn đang loay hoay trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Từ lâu, vùng trồng RAT xã Hà Hồi (Thường Tín) được coi là một trong những nơi sản xuất RAT lớn nhất Thủ đô, nhưng đến nay đầu ra cho sản phẩm vẫn rất khó khăn.

Ông Đỗ Văn Thuận, Chủ nhiệm HTX Hà Hồi cho biết, trên địa bàn xã hiện có hàng trăm hộ trồng RAT, nhưng tất cả mọi việc, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đều do chúng tôi lo liệu, do đó không thể quán xuyến hết được. Mặc dù nông dân luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật, sản phẩm rau cũng đảm bảo an toàn nhưng khi đem ra chợ bán thì giá cũng chỉ như các loại rau bình thường. Cũng may địa phương có chợ Hà Hồi nên cứ khoảng 17-18 giờ hôm trước, 4-5 giờ sáng hôm sau, thương lái các nơi đổ về thu mua nên không lo bị ế.

"Thực ra, nếu giá cả ổn định thì không có vấn đề gì, bà con sẽ vui vẻ tuân thủ quy trình sản xuất. Nhưng khi mất giá, thị trường bất ổn thì rất khó yêu cầu họ làm theo vì sản xuất RAT mất nhiều công sức, đầu tư tốn kém và công phu hơn trồng rau thường rất nhiều. Chúng tôi chỉ mong các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện để RAT Hà Hồi có đầu ra ổn định, hoặc ít nhất cũng phải có mức giá sàn cho các sản phẩm RAT, phải đảm bảo RAT bán với giá cao hơn các loại rau khác thì mới mong nông dân gắn bó lâu dài", ông Thuận nói.

Tương tự, vùng RAT phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai) đã được Sở NN&PTNT Hà Nội đầu tư xây dựng hạ tầng với hệ thống nhà lưới, cột bê tông, kênh mương thủy lợi hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện chỉ có khoảng 1/10 lượng sản phẩm RAT của phường được Công ty cổ phần Xuất - nhập khẩu nông - lâm sản thực phẩm Đông Nam Á ký hợp đồng bao tiêu, số còn lại bà con phải tự đem ra chợ bán.

Chị Nguyễn Thị Hương, người trồng RAT ở phường Lĩnh Nam cho biết: "Tham gia dự án, chúng tôi được tập huấn kiến thức về sản xuất RAT. Ai cũng ý thức rằng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đảm bảo uy tín, chất lượng RAT của địa phương. Thế nhưng, hiện chỉ có vài chục hộ cung cấp rau cho Công ty cổ phần xuất - nhập khẩu nông - lâm sản thực phẩm Đông Nam Á là có nhãn hiệu ghi trên bao bì của công ty. Còn những hộ như chúng tôi, hôm nào cũng đem rau ra chợ bán như rau thường thì cần gì phải có bao bì, địa chỉ, nguồn gốc hàng hóa, chỉ cần biết, khi đến tay người tiêu dùng vẫn đảm bảo an toàn là được".

Cần liên kết bền vững

Hiện nay, ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ xây dựng quy trình VietGAP đang được thực hiện ở khâu trồng và hái. Đây là quy trình đòi hỏi sự giám sát gắt gao của nhà nông lẫn doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Riêng đối với khâu sơ chế, thực tế hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được một cách đồng bộ. Mặt khác, nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn hiện nay vẫn khiến người tiêu dùng khó phân biệt được chất lượng thật – giả. Từ đó, tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn chưa được tạo dựng niềm tin bền vững.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Y tế khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp cấp bách để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ rau an toàn (RAT) đến người tiêu dùng. Theo đó, Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm về công tác quản lý chất lượng RAT, kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất RAT trên địa bàn Hà Nội để thu thập thông tin về: sản lượng rau thực tế, nơi tiêu thụ rau, kế hoạch sản xuất rau của các cơ sở sản xuất, dự báo sản lượng RAT cần tiêu thụ, những khó khăn vướng mắc và kiến nghị, đề xuất trong tổ chức thực hiện sản xuất và tiêu thụ RAT.

Sở NNN&PTNT sẽ cung cấp cho Sở Công thương về danh sách các cơ sở sản xuất RAT để cập nhật vào hệ thống phân phối phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chủ động phối hợp với Sở Công thương để thực hiện giải pháp cung cấp RAT đến các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

UBND TP giao Ban quản lý các chợ bố trí các điểm bán RAT phù hợp thực tế, thuận tiện cho việc vận chuyển, mua bán và xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm RAT tại chợ. Chủ động làm việc với các nhà kinh doanh, các Trung tâm thương mại, các siêu thị để tổ chức thực hiện các giải pháp tiêu thụ RAT.

Tuy nhiên câu chuyện tiêu thụ và thị trường luôn là thế mạnh của DN, nếu không tạo một cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp gắn với người dân thì việc đứt đoạn giữa sản xuất và thị trường sẽ luôn là cái kết đắng mà nông dân phải gánh chịu. Như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây đã bày tỏ: “Để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, doanh nghiệp là hạt nhân cốt yếu, làm nền tảng cho mọi liên kết thực hiện được nền sản xuất hàng hóa tập trung”.

Như vậy, cùng với quản lý vùng RAT bằng hành chính, Hà Nội cần có cơ chế mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp “xuống đồng” cùng nông dân, lợi ích và thiệt hại của doanh nghiệp nông dân luôn tỷ lệ thuận với nhau thì chắc chắn thị trường sẽ có những thương hiệu RAT bền vững, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Nguyễn Dũng

Top