Rau an toàn: Vươn xa từ khôi phục lòng tin

05/02/2016 8:35 AM

(Chinhphu.vn) – Thói quen ẩm thực “giàu đạm” ngày Tết khiến người tiêu dùng rất “háo” rau xanh trong bữa cơm, bữa cỗ mỗi ngày. Nhu cầu tiêu thụ rau an toàn (RAT) vào dịp Tết trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết. Nhưng Tết năm nay người dân Thủ đô không còn quá khó để tìm được rau an toàn trên thị trường nữa...

Sản xuất RAT đang được người nông dân hướng đến như một mô hình có hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp. Ảnh: Đỗ Hương

Chỉ chỗ cho “lòng tin”

Nói đến rau an toàn (RAT), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết đến nay thành phố đã có tới 95% diện tích trồng trọt cho sản phẩm này. Tuy nhiên khoảng 5% rau chưa thực sự an toàn do thói quen canh tác và hạn chế trong bảo quản đã khiến dư luận nhân dân mất lòng tin vào ngành hàng này khá nặng nề.

Thực hiện đề án sản xuất, tiêu thụ RAT giai đoạn 2010-2015, toàn thành phố đã có 5.100ha RAT, trong đó 171ha rau VietGAP và 21ha rau hữu cơ. Sản lượng đạt 400 nghìn tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng, giá trị đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm. Riêng các vùng trồng rau trái vụ tăng thêm 3-5 vụ/năm, giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, có diện tích đạt 2 tỷ đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, hiện sản xuất RAT vẫn khó khăn ở đầu ra do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng. Để lấy lại “niềm tin của người tiêu dùng, Hà Nội đã hình thành một số chuỗi RAT từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 HTX cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị...

Tuy nhiên những sản phẩm RAT có tem nhãn đàng hoàng như vậy mới chỉ đạt 20.000 tấn/năm, chiếm 5% sản lượng RAT, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng. Còn RAT chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng trên 370.000 tấn/ năm chiếm 92,5% sản lượng RAT, 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng.

Trong điều kiện còn ít RAT được gán tem mác như vậy nhưng như ông Nguyễn Mạnh Tùng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (Thanh Trì) nhìn nhận: “Hiện RAT chưa tạo được lòng tin cho người tiêu dùng do một số HTX, doanh nghiệp làm ăn bất chính trà trộn RAT với rau thường sau đó bán với giá cao; chủng loại RAT còn đơn điệu, chưa tạo được sự thích thú cho người tiêu dùng....”

Các doanh nghiệp kinh doanh RAT rất ít, hệ thống bán lẻ tiện ích chưa phát triển mạnh nên số lượng RAT tiêu thụ không nhiều; người sản xuất chưa bán được đúng với giá trị của rau dẫn đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh RAT bị thua lỗ nặng hay phá sản thời gian qua như: Tonkin, Hương Cảnh...

Nhìn một cách toàn cảnh, bước đầu ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chỉ ra được những sản phẩm RAT bằng cách gán nhãn mác và phân phối gần hơn với người dân không chỉ qua siêu thị lớn mà đã có các cửa hàng RAT tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên so với nhu cầu tiêu dùng thì năng lực sản xuất vẫn còn hạn chế.

Bám rễ, vươn xa

Thực tế, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng nhiều loại RAT, nhưng do chất lượng chưa bảo đảm nên sản lượng tiêu thụ còn ít. Theo bà Đỗ Thị Liên , Chủ nhiệm HTX RAT Đạo Đức (Đông Anh), để RAT có chỗ đứng trên thị trường, các ngành chức năng cần tuyên truyền để người dân áp dụng đúng các biện pháp sản xuất từ việc làm đất, thời gian dùng thuốc BVTV đúng kỹ thuật; tăng cường kiểm tra, lấy mẫu ở các vùng sản xuất, các điểm kinh doanh RAT để xét nghiệm các chỉ tiêu, bảo đảm quyền lợi cho những HTX, doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho vùng RAT. Hiện theo đề án sản xuất RAT đã có 30 dự án được phê duyệt về làm hạ tầng nhưng mới chỉ có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ chế, đóng gói, bao tiêu sản phẩm RAT ra thị trường được khép kín.

Dưới khía cạnh thị trường hay an sinh xã hội thì việc xây dựng các cuỗi cung ứng RAT đều rất bức thiết. Vừa qua, Hà Nội đã đầu tư 110 tỷ đồng sản xuất và tiêu thụ RAT. Nguồn kinh phí sẽ duy trì sản xuất trên diện tích 5.100 ha và tăng thêm 2.000 ha diện tích sản xuất rau an toàn.

Mục tiêu TP Hà Nội hướng tới là đến năm 2020 duy trì và phát triển diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập. Đồng thời, hình thành, phát triển và kiểm soát chuỗi sản xuất tiêu thụ rau an toàn, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch “Chương trình duy trì, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020” dự kiến gần 114 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí duy trì sản xuất rau an toàn trên diện tích 5.100 ha là 33,5 tỷ đồng; tăng thêm 2.000 ha sản xuất rau an toàn là 29,9 tỷ đồng; phát triển, quản lý chuỗi sản xuất rau an toàn gần 40 tỷ đồng.

Một tín hiệu vui nữa cho việc phát triển RAT tại Hà Nội vừa có vào ngay đầu tháng 2/2016 này, đó là HTX  RAT thị trấn Chúc Sơn và công ty TNHH Tư vấn – Đầu tư – Thương mại Ánh Dương (Sunshine) về hỗ trợ truyền thông, tiêu thụ sản phẩm RAT đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình phối hợp giữa TP Hà Nội với tỉnh Ibaraki - Nhật Bản dưới sự hỗ trợ của tổ chức Jica. Theo đó, trong năm 2015, Jica đã hỗ trợ HTX RAT thị trấn Chúc Sơn dự án sản xuất RAT thông qua sự bảo trợ của Công ty Sunshine nhằm đáp ứng một phần nhu cầu của cư dân tỉnh Ibaraki. Đến nay, dự án đã cho kết quả khả quan, chất lượng và sản lượng RAT đều đạt yêu cầu theo tiêu chí của dự án.

Tại lễ ký kết, Công ty Sunshine đã cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm RAT cho các hộ nông dân tham gia dự án. Cùng với đó, công ty còn hỗ trợ HTX RAT Chúc Sơn về quảng bá, xây dựng thương hiệu và tập huấn kiến thức thị trường cho nông dân. Như vậy, RAT đang dần “bám rễ” vào sản xuất và tiêu thụ của người dân thủ đô, không những vậy, những thương hiệu RAT đầu tiên của Thủ đô sẽ có cơ hội lên đường và được biết đến trên trường quốc tế.

Đỗ Hương

 

Top