Sản xuất công nghiệp đã khởi sắc trở lại

27/06/2020 1:08 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Sở Công thương Hà Nội, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhiều doanh nghiệp đã khởi sắc hơn những tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 ước tính tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8% và tăng 7,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 18,8% và tăng 6,5%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10% và tăng 5,9%; ngành khai khoáng giảm 22,2% và tăng 9,4%.  

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp so với nhiều năm gần đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): 6T/2017 tăng 6,1%; 6T/2018 tăng 7,5%; 6T/2019 tăng  7,4%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỉ trọng 96,5% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành giảm so với cùng kỳ năm trước: Công nghiệp dệt giảm 3,9%; sản xuất trang phục giảm 5,2%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 4,7% (do một số doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ chậm); sản xuất phương tiện vận tải giảm 12,9% (do khó khăn trong khâu nhập khẩu vật liệu, linh kiện, phôi thép chuyên dụng để sản xuất phụ tùng vận tải); ngành sản xuất đồ uống giảm 22,6% (do Nghị định 100/2019/CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, nhu cầu tiêu thụ bia, rượu trên thị trường giảm mạnh nên sản lượng sản xuất của Tổng công ty CP bia, rượu, nước giải khát Hà Nội đã giảm 36%; công ty CP Bia Sài Gòn Hà Nội giảm 60%).

Bên cạnh đó, một số ngành đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 40,2%; sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 23,8%; sản xuất điện tử, máy tính tăng 21,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 11,4%; chế biến thực phẩm tăng 7,5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 6,9%.

Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 11,8% so với cùng kỳ nhưng do chiếm tỉ trọng nhỏ nên không tác động nhiều đến tăng trưởng chung toàn ngành. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,5%.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện tích cực công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chương trình liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đặc biệt là các sản phẩm phụ trợ... Nhờ vậy mà chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm tăng 0,3%, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ như: Sản xuất thuốc lá tăng 6,8%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 8,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 30,4%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 42,6%... Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành có chỉ số tiêu thụ thấp so với cùng kỳ như: Sản xuất kim loại giảm 12,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 15,2%; sản xuất máy móc thiết bị giảm 15,7%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 18,2%; sản xuất đồ uống giảm 31,5%.

Cũng theo Sở Công thương, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp tháng 6 tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tồn kho tăng cao như: Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 197,4%; thực phẩm chế biến tăng 168,6%; sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 83,1%; kim loại đúc sẵn tăng 65,7%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 60,5%; xe có động cơ tăng 51,2%. Một số ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho giảm như: Sản xuất trang phục giảm 33,1%; phương tiện vận tải khác giảm 43,7%; thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 60,9%; kim loại giảm 73,8%.

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tính đến cuối tháng 6 tăng 0,1% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp khu vực Nhà nước giảm 5,5%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 1,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,5%. Chia theo ngành kinh tế, trong 6 tháng qua, lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó giảm mạnh nhất là lao động ngành sản xuất đồ uống, giảm 22,3%; sản xuất kim loại giảm 31,6%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 4,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,5%; khai khoáng giảm 5,4%.

Minh Anh

Top