Sản xuất công nghiệp phục hồi mức tăng trưởng

27/06/2019 6:05 AM

(Chinhphu.vn) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi mạnh trong quý II (quý I tăng 6,5%; quý II tăng 8%).

Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 8%; cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải tăng 7,4%; ngành khai khoáng giảm 28,6%. Một số ngành công nghiệp chủ lực (chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) có chỉ số đạt mức tăng trưởng khá cao, chế biến thực phẩm tăng 16,1% so cùng kỳ năm trước; sản xuất da và sản phẩm liên quan tăng 18,5%; chế biến gỗ và sản phẩm từ tre nứa tăng 12,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 27%; sản xuất điện tử, máy tính tăng 7,5%; sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 17,6%...

Tuy nhiên, bên cạnh đó một số ngành tăng thấp hoặc giảm trong 6 tháng đầu năm như sản xuất đồ uống tăng 3,3%; dệt tăng 2,7%; sản xuất kim loại tăng 1,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 2,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 1,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 3,6%;... 

Nửa đầu năm nay, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp cũng được quan tâm, hầu hết các cụm công nghiệp hiện có đã được lấp đầy. Trong 6 tháng đầu năm Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định thành lập 08 cụm công nghiệp và hoàn thành thẩm định 17 cụm công nghiệp.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 trên địa bàn Hà Nội tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,9% và tăng 8,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,4% và tăng 8,2%; cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải tăng tăng 3,1% và tăng 8,1%; ngành khai khoáng giảm 35,5% và giảm 29,7%.

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng khá so với bình quân chung toàn ngành như: In và sao chép bản ghi; sản xuất xe có động cơ;... Các ngành có chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là: Chế biến thực phẩm; sản xuất trang phục; sản suất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thiết bị điện.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành tiêu thụ chậm, chỉ số tồn kho tương đối cao so cùng kỳ: Sản xuất đồ uống, sản xuất sản phẩm thuốc lá, sản xuất trang phục, sản xuất thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ,…

Ước tính tháng 6, chỉ số sử dụng lao động ở các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước giảm 3%; khu vực ngoài nhà nước giảm 1,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,5%. Ước tính 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế nhà nước giảm 1,6%; khu vực ngoài nhà nước tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5%. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sử dụng lao động tăng so cùng kỳ: Sản xuất trang phục tăng 3,1%; chế biến gỗ tăng 3,7%; sản xuất thuốc và dược liệu tăng 3,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 13%,...

Cũng theo các số liệu thống kê, nhìn chung, tình hình sử dụng lao động ở các doanh nghiệp công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 có sự biến động đúng theo quy luật, chỉ số sử dụng lao động khối doanh nghiệp nhà nước biến động giảm, khối kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài tăng.

Minh Anh

Top