Sản xuất công nghiệp tăng 3,4% trong tháng 8

26/08/2020 1:33 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Sở Công Thương Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất chế biến thực phẩm đạt mức tăng trưởng khá hơn so với tháng trước.

Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,9% và tăng 6,2%; sản xuất và phân phối điện giảm 2,1% và tăng 6,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 1,5% và tăng 6,1%; ngành khai khoáng tăng 15,1% và giảm 1,2%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất tháng 8 tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất thuốc lá tăng 15,7% và tăng 12,3%; chế biến gỗ tăng 4,3% và tăng 13,1%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,7% và tăng 24%; hóa chất tăng 4,3% và tăng 18,6%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 0,6% và tăng 20,5%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,2% và tăng 12,8%; sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 14,2% và tăng 10,5%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 9% và tăng 14,4%.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số ngành sản xuất tháng 8 vẫn giảm so với cùng kỳ, đó là lĩnh vực sản xuất đồ uống giảm 4,8%; dệt giảm 1,4%; trang phục giảm 3%; da và sản phẩm từ da giảm 17,6%; thiết bị điện giảm 2,9%; xe có động cơ giảm 8,8%; phương tiện vận tải giảm 7,9%.     

Tính chung 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỉ trọng lớn 96,5% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) tăng 4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,6%; công nghiệp khai khoáng giảm 8,5%, nhưng do chiếm tỉ trọng nhỏ nên không tác động nhiều đến tăng trưởng chung toàn ngành.

Một số ngành chế biến, chế tạo 8 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước là ngành chế biến thực phẩm tăng 9,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 10,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11,2%; sản xuất điện tử, máy tính tăng 19,2%; sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 20,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 34,3%.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước và trên thế giới giảm nên một số ngành giảm sút so với cùng kỳ năm trước như: Công nghiệp dệt giảm 3,3%; sản xuất trang phục giảm 3,9%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 5,9%; sản xuất đồ uống giảm 16,5%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 12,2%.

Theo thống kê, chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tính đến cuối tháng 8 tăng 0,6% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước giảm 4,8%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,3%. Chia theo ngành kinh tế, trong 8 tháng qua, lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó giảm mạnh là lao động ngành sản xuất đồ uống, giảm 21,1%; sản xuất kim loại giảm 26,6%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 3,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,4%; khai khoáng giảm 15,2%.

 Minh Anh

Top