Sẽ thí điểm một số chính sách đặc thù trong cải tạo chung cư cũ

05/06/2019 10:11 AM

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội và TPHCM để thí điểm một số chính sách đặc thù trong cải tạo chung cư cũ.

* Sớm lập quy hoạch cải tạo các chung cư cũ

* Hà Nội tìm lời giải cho cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Cần một số chính sách đặc thù trong cải tạo chung cư cũ - Ảnh Internet

Ví dụ tại Hà Nội, việc cải tạo chung cư cũ không chỉ bó hẹp trong phạm vi một tòa nhà mà còn mở rộng ra các tòa xung quanh để tạo ra khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Trả lời chất vấn Quốc hội chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ sẽ nghiên cứu bổ sung chính sách đối với việc tăng chiều cao, tăng dân số cho các dự án cải tạo chung cư cũ.

Giải pháp về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng phải sửa đổi, bổ sung thể chế, sau đó là phải có quy định cụ thể linh hoạt hơn về tăng chiều cao và dân số đối với các dự án cải tạo chung cư cũ trong một số trường hợp. Hiện nay, cả nước có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ, trong đó Hà Nội có 1.579 chung cư cũ. Việc tắc nhất trong cải tạo chung cư cũ là chúng ta không bảo đảm được hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và nhân dân. Khi doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ thì họ bị hạn chế theo quy hoạch và tầng cao diện tích ở và dân số ở khu vực đó. Vì thế nếu họ lập dự án thì không bảo đảm lợi nhuận đầu tư nên rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư. Vì thế, Bộ đề xuất trong thời gian tới Chính phủ cần bổ sung chính sách về việc này.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương quan tâm, khẩn trương hoàn thành việc kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư cũ và chỉ đạo tổ chức, lập phê duyệt công bố quy hoạch, kế hoạch cải tạo xây dựng lại chung cư trên địa bàn và đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với địa phương.

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã trả lời về tình hình xây dựng nhà ở xã hội. Theo Bộ trưởng, cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản tuy đã có chuyển dịch tích cực nhưng vẫn chưa cân đối.

“Một số phân khúc như trung - cao cấp và sản phẩm du lịch đã có biểu hiện dư thừa trong khi đó lại thiếu gay gắt nhà giá rẻ, nhà ở xã hội (mới chỉ được 4,8 triệu m2 so với yêu cầu 12,5 triệu m2 đến giữa 2020, thiếu nguồn vốn nên còn 226 dự án nhà ở xã hội chậm tiên độ”, Bộ trưởng Hà cho hay.

Bộ trưởng cũng cho rằng, việc nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt là do địa phương chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật cho dự án, chưa quan tâm bố trí quỹ đất nhà ở xã hội. Thậm chí, nhiều địa phương chưa dùng khoản tiền 10 - 20% của dự án nhà ở xã hội được chủ đầu tư nộp lại.

“Hiện nay, ta thiếu nguồn vốn để hỗ trợ lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Dù Quốc hội, Chính phủ quan tâm, đã bố trí hơn 3.000 tỷ đồng nhưng vẫn là rất thấp (yêu cầu 9.000 tỷ đồng), do đó, người có thu nhập thấp không được hỗ trợ lãi suất, rất khó khăn trong việc mua nhà”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Thùy Chi

Top