Sẽ từng bước hạn chế phương tiện cá nhân trong nội đô

30/06/2016 10:32 AM

(Chinhphu.vn) – Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cơ sở đưa ra thực hiện lộ trình cấm xe máy vào năm 2025 này là dựa trên xu thế chung. Hiện các đô thị hiện đại trên thế giới và trong khu vực khi phát triển đến mức độ nào đấy đều phải có lộ trình giảm dần phương tiện giao thông cá nhân và tiến tới cấm xe máy hoạt động ở nội đô.

Ảnh minh họa

Phương tiện cá nhân đang gia tăng

Ông Vũ Văn Viện cho biết, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đưa Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao đối với các thành phố trong nước và quốc tế… từ nay đến năm 2020 thành phố đặt ra 9 mục tiêu phát triển. Một trong những mục tiêu của đề án là hạn chế phương tiện cá nhân tiến tới cấm xe máy tại một số tuyến phố nội đô.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, Thành phố sẽ tập trung tăng cường sử dụng giao thông công cộng, giảm dần phương tiện cá nhân, tạo điều kiện đến năm 2025 dừng hoạt động của phương tiện xe máy.

“Số lượng phương tiện cá nhân trên địa bàn Hà Nội vẫn đang gia tăng. Hiện thành phố đã có trên 5,5 triệu phương tiện cá nhân, riêng xe máy chiếm hơn 5 triệu. Với đà phát triển trên 10%/năm thì đến năm 2025 thành phố sẽ có khoảng 11 triệu xe máy. Nếu không có giải pháp kiểm soát, vài năm nữa, hệ thống hạ tầng giao thông sẽ không thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, lượng xe máy lớn không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến môi trường, khí thải”, ông Viện cho biết.

Theo ông Viện, giảm xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy hoạt động ở nội thành là xu thế tất yếu. Việc này Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương giao cho các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM phải xây dựng lộ trình. Hà Nội cũng đã quyết tâm đưa ra lộ trình như vậy.

Để hạn chế dần và tiến tới cấm xe máy nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân. Năm 2025, Hà Nội cơ bản đầu tư xong hạ tầng khung như các tuyến đường vành đai, trục xuyên tâm. Phương tiện vận tải hành khách công cộng có tốc độ nhanh, khối lượng vận chuyển lớn như 8 tuyến đường sắt đô thị.

Đến năm 2020, phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội phải đáp ứng được 25% nhu cầu đi lại của nhân dân, đến 2025 phải đáp ứng được 35 - 40%. Như vậy để thay thế cho phương tiện giao thông cá nhân trước hết phương tiện giao thông công cộng phải được phát triển lên, nâng cao chất lượng phục vụ.

Để thực hiện điều này, trong chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội cũng đã có đề án, đó là đề án quản lý phương tiện giao thông, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và tiến tới là đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân khi cấm xe máy.

Cùng với đó, để tăng loại hình và thị phần phục vụ của vận tải hành khách công cộng, ông Viện cho biết, ngoài 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đang triển khai, thời gian tới thành phố sẽ triển khai thêm 6 tuyến đường sắt đô thị mới.

Sẽ từng bước hạn chế xe máy

Về thời gian Sở GTVT hoàn thành đề án kiểm soát xe cá nhân, trong đó có dừng hoạt động của xe máy vào năm 2025, ông Viện cho biết, đề án trên sẽ được Sở GTVT thực hiện theo chủ trương vừa xây dựng vừa thực hiện hạn chế. Theo đó, sẽ phát triển hạ tầng và hạn chế xe máy từng bước, từng giai đoạn trước khi cấm chính thức. Các kế hoạch, nội dung và mục tiêu được đưa ra để thực hiện trong vòng lộ trình 10 năm.

Ông Viện cũng khẳng định, nguyên tắc là cấm sử dụng xe máy tại các cơ sở hạ tầng giao thông không đảm bảo, còn không cấm nhân dân mua, sở hữu và việc cấm sử dụng này phải đảm bảo được tính khoa học, thực tế. Mục đích là kiểm soát, hạn chế phương tiện tham gia giao thông cho phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng nhằm giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, kết hợp hài hòa và triển khai đồng bộ giữa các giải pháp hành chính và kinh tế.

 “Chẳng hạn như các tuyến đường có lưu lượng xe cao thì thu phí. Tăng cường vận tải hành khách công cộng đa phương. Hiện nay mới chỉ có xe buýt, xe liên tỉnh, taxi…. Tới đây sẽ mở rộng hơn để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường không gian đi bộ, mới có khu vực phố cổ, tiến tới sẽ mở rộng phố đi bộ quanh khu vực hoàn kiếm và nhiều tuyến phố khác. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông,...”, ông Viện nêu ra các giải pháp.

Đến năm 2025 thành phố sẽ hoàn thiện các điều kiện cần thiết để chính thức thực hiện dừng hoạt động của xe máy trong khu vực nội đô. Ông Viện nhấn mạnh: “Đây là lộ trình được thành phố quyết tâm làm và hiện đề án triển khai cụ thể đang được Sở GTVT Hà Nội xây dựng. Theo tiến độ, cuối năm nay xong và trình lãnh đạo thành phố”.

Kim Liên

Top