Sóc Sơn: Khôi phục lúa Nếp cái hoa vàng thành đặc sản vùng

22/11/2018 1:57 PM

(Chinhphu.vn)-Nhờ thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên huyện Sóc Sơn đã xây dựng thành công các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đồng thời xây dựng nhãn hiệu sản phẩm lúa Nếp cái hoa vàng là một đặc sản tiêu biểu của vùng.

Lúa Nếp cái hoa vàng xã Phú Minh được phục tráng thành công với chất lượng gạo dẻo mềm, thơm ngon-Ảnh Thiện Tâm

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, do đặc điểm của vị trí tiếp giáp và điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, huyện Sóc Sơn có điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc phát triển nhiều loại cây trồng thế mạnh. Đặc biệt, ngành trồng trọt đã thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng như lúa, bưởi, ngô, chè, ... và chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thấp sang cây trồng có giá trị cao.

Huyện cũng đã thực hiện xây dựng thành công các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng tập trung theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở 3 mức độ an toàn là (an toàn, VietGap và hữu cơ) gắn liền với xây dựng nhãn hiệu và chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Vì vậy, trên địa bàn huyện đã xây dựng thành công các nhãn hiệu sở hữu tập thể gắn liền với hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong ngành trồng trọt như: “Rau hữu cơ Sóc Sơn”, “Chè an toàn Bắc Sơn”, “Bưởi sạch Sóc Sơn”…

Trong đó, sản phẩm nông sản lúa Nếp cái hoa vàng là một trong những sản phẩm truyền thống lâu đời của huyện, nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cùng sự quan tâm của các cấp, ngành nên đến nay đã phát triển thành sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng của huyện Sóc Sơn.

Từ năm 2015 huyện Sóc Sơn đã được sự quan tâm, đầu tư, giúp đỡ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu sở hữu tập thể “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” vào tháng 11/2015.

Ông Dũng chia sẻ, lúa Nếp cái hoa vàng trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu ở 3 xã Phú Minh (40 ha), Tân Hưng (120 ha) và Bắc Phú (30 ha). Riêng vùng sản xuất của xã Phú Minh được đưa vào và duy trì từ năm 1984 đến nay, với giống chất lượng gạo thơm ngon. Tuy nhiên, giống lúa đã có biểu hiện thoái hóa do độ đồng đều quần thể thấp, nhiễm sâu bệnh nặng, mùi thơm, độ dẻo giảm do nhiều yếu tố. Chính vì vậy, việc sớm tiến hành phục tráng giống Nếp cái hoa vàng đặc sản của xã Phú Minh để xây dựng thành công thương hiệu “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” là điều hết sức cần thiết, bởi nó sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy thực hiện tốt tiêu chí 13 trong công tác xây dựng Nông thôn mới của huyện.

Qua 4 năm thực hiện phục tráng giống lúa Nếp cái hoa vàng tại xã Phú Minh, từ năm 2015 đến năm 2018, đến nay huyện Sóc Sơn đã phục tráng thành công và cho kết quả rất khả quan. Hiện huyện đã chọn được 32 cá thể tốt nhất của 32 dòng được theo dõi, đánh giá và 32/32 dòng đều đạt tiêu chuẩn hỗn dòng cho ra lô hạt giống siêu nguyên chủng lần 3 (khoàng 160 kg) đạt tiêu chuẩn cho sản xuất hạt giống nguyên chủng năm 2019.

Bên cạnh đó, đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung tiến hành sản xuất lô hạt giống Nguyên chủng từ lô hạt giống siêu nguyên chủng được chọn lọc lần 2 trong năm 2017. Diện tích sản xuất gần 5 ha dự kiến năng suất ước đạt 165-170 kg/sào, sản lượng ước lô hạt nguyên chủng đạt 23-23,5tấn. Đồng thời quy hoạch vùng sản xuất tập trung sản xuất lô hạt giống xác nhận từ một phần lô hạt giống nguyên chủng được chọn lọc lần 1 trong năm 2017. Diện tích sản xuất gần 35 ha, năng suất ước đạt 160-165 kg/sào, sản lượng lô hạt xác nhận ước đạt 156,5-161,2tấn.

Như vậy có thể thấy, việc phục tráng thành công giống Nếp cái hoa vàng đặc sản của xã Phú Minh đã tạo ra quần thể giống đồng đều, nâng cao năng suất, chất lượng giống lúa và tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng thành công thương hiệu “Nếp cái hoa vàng Phú Minh” và góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho bà con nông dân.

Đặc biệt, việc phục tráng thành công lúa Nếp cái hoa vàng xã Phú Minh còn tạo tiền đề vững chắc để xây dựng nhãn hiệu sở hữu tập thể “Nếp cái hoa vàng Phú Minh” thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Sóc Sơn, góp phần thực hiện thành công Đề án OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của thành phố Hà Nội đang xây dựng, triển khai trong năm 2019.

Với những kết quả đã đạt được, ông Hoàng Chí Dũng mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện đẩy nhanh các dự án xây dựng hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh lúa Nếp cái hoa vàng đặc sản tập trung và hỗ trợ tổ chức phục tráng giống; từng bước mở rộng sản xuất, liên kết giữa các nhà phân phối với người sản xuất lúa Nếp cái hoa vàng đặc sản trên địa bàn huyện Sóc Sơn tạo đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời thực hiện hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo tập huấn nhất là hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ sấy, chế biên đóng gói sau thu hoạch đảm bảo chất lượng và giá trị cao nhất của gạo Nếp cái hoa vàng đặc sản cho người nông dân sản xuất.

Thiện Tâm

Top