Sơn Tây: Quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi

21/03/2019 5:27 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 21/3, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại thị xã Sơn Tây - Ảnh: Thiện Tâm

Ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, cho biết thị xã Sơn Tây có 9 phường, 6 xã. Trong đó có 4 phường nội thị không chăn nuôi đại gia súc, còn lại chăn nuôi vẫn chiếm một phần lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Về chăn nuôi lợn, tính đến 15/3, thị xã có tổng đàn lợn nuôi trong dân là 47.251 con, với 2.841 hộ. Tổng đàn lợn của công ty, xí nghiệp, hợp tác xã, trung tâm, doanh nghiệp là 23 trang trại với tổng đàn là 37.585 con. Hiện thị xã có 110 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 51 cơ sở giết mổ lợn.

Hiện trên địa bàn thị xã chưa phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi. Để chủ động trong phòng, chống dịch, thị xã đã triển khai các biện pháp ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi; giám sát chặt chẽ tình hình dịch  bệnh, thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày; đồng thời hỗ trợ kinh phí tổ chức hội nghị tập huấn cho các trưởng thôn, hộ chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh tại 15 xã, phường; chỉ đạo các xã, phường cho ký cam kết đến các hộ chăn nuôi, kết quả đã có 100% các hộ ký cam kết tính đến ngày 19/3.

Công tác tiêu độc khử trùng trên địa bàn thị xã được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn thị xã có 3 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật (trong đó có 2 cơ sở chăn nuôi lợn và 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm).

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, qua kiểm tra phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Kim Sơn cho thấy các hộ chăn nuôi đã chủ động phòng chống dịch. Hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn đều không lấy thức ăn dư thừa để chăn nuôi lợn, chủ yếu là thức ăn công nghiệp và thức ăn truyền thống. Điển hình như hộ chăn nuôi của anh Kiều Duy Tĩnh, thôn Kim Trung, xã Kim Sơn, mặc dù tổng đàn lợn nhiều với 140 con (trong đó có 120 con lợn con - lợn thịt và 20 nái), nhưng gia đình anh không sử dụng thức ăn dư thừa lấy từ nhà hàng, khách sạn mà chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp.

Bên cạnh đó, gia đình anh cũng thường xuyên rắc vôi bột tại chuồng trại và môi trường xung quanh. Trước khi có dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn thành phố, gia đình anh đã tiêu độc khử trùng, một tuần phun một lần, khi có dịch xuất hiện thì 2 ngày gia đình anh phun phòng dịch một lần. Đồng thời tiêm phòng đầy đủ và thường xuyên diệt chuột để tránh tác nhân gây bệnh trung gian.

Ngoài việc không sử dụng thức ăn dư thừa, ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng yêu cầu địa phương cần thường xuyên phun phòng dịch, mỗi hộ chăn nuôi cần tổ chức rắc vôi bột tại chuồng nuôi, những nơi dễ nhiễm bệnh như cống rãnh, hàng rào, bãi rác...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT yêu cầu, thị xã Sơn Tây cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi để họ biết được mức nguy hại của dịch tả lợn châu Phi cũng như cách phòng ngừa dịch hiệu quả. Tập trung theo nguyên tắc "5 không", "4 tại chỗ".

Tổ chức phun tiêu độc khử trùng đúng vị trí, tập trung vào những điểm dễ lây nhiễm. Thực hiện vệ sinh cơ giới và tiến hành phương án tiêu hủy tại chỗ khi có dịch xảy ra.

Thiện Tâm

Top