Sự ‘thay da, đổi thịt’ của giao thông Thủ đô

23/07/2018 5:05 PM

(Chinhphu.vn)-Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, việc thực hiện khớp nối quy hoạch giao thông của Hà Nội (cũ) với quy hoạch giao thông của Thủ đô sau sáp nhập; các hoạt động từ quy hoạch đến đầu tư kết cấu giao thông Thủ đô với các vùng lân cận... đã góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô.

Giao thông Thủ đô thay đổi sau 10 năm mở rộng địa giới. Ảnh: Thành Nam

Chứng kiến diện mạo Thủ đô Hà Nội hôm nay so với 10 năm trước, chắc hẳn ai cũng cảm nhận rất rõ sự “thay da đổi thịt”, ngày càng hiện đại hơn nhiều. Nhiều cơ sở hạ tầng mới được hoàn thành, các công trình giao thông trọng điểm đã và đang được hoàn thiện góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một trong những đô thị hiện đại, biểu tượng phát triển trong tiến trình hội nhập quốc tế, kết nối trái tim của cả nước với mọi vùng miền và vươn ra thế giới.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII (1/8/2008-1/8/2018) về mở rộng địa giới hành chính TP.Hà Nội, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị của Hà Nội đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cây cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín.

Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Sở GTVT đã hoàn thành được 223 km đường xây mới; đã tổ chức xây dựng hoàn thành 3 cầu lớn (cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh); xây dựng mới 9 cầu vượt nhẹ trực thông các nút giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông như cầu vượt nút giao Láng Hạ-Huỳnh Thúc Kháng; cầu vượt nút giao Chùa Bộc-Thái Hà; nút giao Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt; cầu vượt nút giao Nguyễn Khoái; xây dựng mới 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới; 68 hầm chui dân sinh...

Cầu Nhật Tân góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô. Ảnh: Thành Nam

Sở GTVT Hà Nội cũng đã tham mưu cho Thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, từ chính sách đến xây dựng hạ tầng đô thị, hướng tới giảm ùn tắc giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại và cuộc sống của người dân như đẩy mạnh cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng; tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống đường giao thông; tổ chức giao thông hợp lý; tăng cường năng lực lưu thông trên các tuyến đường và xử lý xung đột tại các nút giao bằng hệ thống cầu vượt và đèn tín hiệu... Đến nay, số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm từ 124 điểm (năm 2009) xuống còn 37 điểm (năm 2017).

Cùng với đó, nhờ sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng được tăng cường, thường xuyên có các lực lượng ứng trực để hướng dẫn, điều hành tại những nút giao thông phức tạp vào giờ cao điểm. Hiện tượng ùn tắc giao thông đã được cải thiện và được dư luận nhân dân đánh giá cao.

Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong những năm qua đã phát triển đáng kể. Cụ thể, đã phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các công trình cầu yếu (12 cầu); các tuyến đường quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố; đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động (ngày 1/1/2017) từng bước có hiệu quả; khởi công 2/8 công trình giao thông cấp bách gồm cầu vượt nút giao An Dương và tuyến đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long.

Các tuyến đường Vành đai cơ bản được khép kín như tuyến đường Vành đai 1 ô Chợ Dừa-Hoàng Câu; xây dựng khép kín đường Vành đai 2, đoạn Bưởi-Nhật Tân-Vĩnh Ngọc-cầu Chui-Sài Đồng-Vĩnh Tuy-Minh Khai... Đồng thời đang triển khai xây dựng phần đường Vành đai 3 cao tốc cho đoạn cầu Thăng Long-Mai Dịch.

Đặc biệt, vận tải khách công cộng của Hà Nội từ 2008 đến 2018 đã có bước tiến vượt bậc, từ việc mở rộng mạng lưới hoạt động ra 30 quận, huyện, thị xã, tới việc nâng cao chất lượng phục vụ. Nhờ vậy, sau 10 năm vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Hà Nội có 112 tuyến, tăng 64% so với năm 2008. Mạng lưới xe buýt với sản lượng trên 430 triệu lượt hành khách/năm.

Cần thu hút đầu tư vào vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn

Giao thông Thủ đô mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vấn nạn ùn tắc giao thông vẫn còn hiện hữu ở khu vực nội thành; vận tải công cộng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, kết cấu hạ tầng giao thông khung đã được quan tâm nhưng chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện khép kín các đường vành đai...

Hà Nội sẽ thu hút đầu tư vào xây dựng tuyến đường sắt trên cao. Ảnh: Thành Nam

Chính vì vậy, thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư và lĩnh vực vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, BRT, Monorail...; xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội xanh, sạch đẹp, xứng tầm là Thủ đô của cả nước và khu vực.

Trước mắt, sẽ tập trung hoàn thành phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết thuộc lĩnh vực GTVT như Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch gara ngầm khu vực 4 quận nội đô; Quy hoạch phân khu ga Hà Nội và vùng phụ cận; Quy hoạch dọc 2 bờ sông Hồng,...

Tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế chính sách theo lộ trình của Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030"; tiếp tục hoàn thiện Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt”...

Về giao thông đường bộ, sẽ tập trung tối đa nguồn lực để triển khai cho khu vực đô thị trung tâm từ Vành đai 4 trở vào như cơ bản kép kín các tuyến đường vành đai, bao gồm Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5; hoàn thành hệ thống cầu vượt sông Hồng và một số trục đường hướng tâm, đường trục chính đô thị chủ yếu; hoàn thành một số đoạn tuyến trên cao của đường Vành đai 2.

Về đường sắt đô thị, sẽ hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng 2 tuyến đường sắt đô thị đang triển khai thi công là tuyến số 2A (Cát Linh-Hà Đông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn-Ga Hà Nội; khởi công tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) do Bộ GTVT đầu tư, đồng thời phấn đấu khởi công thêm tối thiểu 1 tuyến đường sắt đô thị do TP. Hà Nội đầu tư; triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với một số tuyến đường sắt đô thị thuộc khu vực đô thị trung tâm.

Đặc biệt, Hà Nội đặt mục tiêu từng bước thiết lập hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn TP. Hà Nội, bao gồm: Xây dựng trung tâm quản lý điêu hành vận tải hành khách công cộng, Trung tâm điêu hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông, Trung tâm điều hành mạng lưới đường cao tốc trên địa bàn thành phố; thiết lập các hệ thống kiểm soát phương tiện và tải trọng phương tiện, hệ thông giám sát hành trình cho xe tải, xe khách...

Thành Nam

Top