Sức tiêu thụ của thị trường Hà Nội có chuyển biến tích cực

26/12/2018 2:29 PM

(Chinhphu.vn) – Theo nhận định của Cục thống kê thành phố Hà Nội, những tháng cuối năm, chỉ số tiêu thụ sản phẩm và chỉ số sản xuất luôn ở mức tăng khá (Riêng quý IV, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 8,4% so cùng kỳ), bên cạnh đó chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần cho thấy sức tiêu thụ của thị trường đã có chuyển biến tích cực.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 12 tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 14% và 6,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3% và 14,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt giảm 4,2% và tăng 10,9%; cung cấp nước, xử lý nước thải và thu gom rác tăng 0,6% và 6,8%. 

Ước tính quý IV, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 8,4%; ước cả năm 2018 tăng 7,5% so cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 8,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 8,5%; cung cấp nước, xử lý nước thải và thu gom rác tăng 7,9%. Một số ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng cao so với tốc độ tăng chung của toàn ngành như: Sản xuất đồ uống (tăng 12,2%); dệt (tăng 8,7%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 9,4%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 11,7%)... 

Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hơn mức bình quân chung hoặc giảm so cùng kỳ một phần do ảnh hưởng của các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu từ các nước ASEAN được nhập về với thuế xuất 0% như sản phẩm đường, sữa; ô tô và phụ tùng ô tô; sắt thép...  khiến các doanh nghiệp trong nước sản xuất gặp một số khó khăn để cạnh tranh, nên chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 các ngành này giảm hoặc tăng chậm, như: Chỉ số sản xuất và chế biến thực phẩm tăng 3,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 7,2%; sản xuất kim loại giảm 0,4%...

Ước tính tháng 12, một số sản phẩm công nghiệp so cùng kỳ như sau, cụ thể kẹo các loại 3.314 tấn, tăng 12,7%; áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc đạt 2.168 nghìn cái, tăng 3,6%; cửa gỗ 9.103 m2, tăng 4%; quạt các loại 188 nghìn cái, tăng gấp hơn 7 lần; dung dịch đạm huyết thanh 931 nghìn lít, giảm 5,2%; thuốc kháng sinh dạng viên 63.971 triệu viên, tăng 43,2%...  

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 ước tăng 19,2% so cùng kỳ; tính chung cả năm 2018 tăng 8,8% so với năm 2017, trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,1%; sản xuất đồ uống tăng 7,8%; sản xuất trang phục tăng 7,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,1%; sản xuất kim loại giảm 12,6%...

Chỉ số tồn kho sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tại thời điểm 01/12/2018 tăng 28,7% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 41,5%; sản xuất đồ uống tăng 51,4%; sản xuất trang phục tăng 93,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 15,2%; sản xuất kim loại tăng 9,3%...

Có thể nói, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước với những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018 đã đạt được kết quả khả quan. 

Trong năm nay, tình hình sử dụng lao động ở các doanh nghiệp công nghiệp có sự biến động, chỉ số sử dụng lao động các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá cao so cùng kỳ năm trước (tăng 8,1%), các doanh nghiệp ngoài nhà nước biến động giảm (giảm 0,7%), các doanh nghiệp nhà nước tăng nhẹ (tăng 1,8%).

Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động biến động lớn so với cùng kỳ có: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,6%; dệt giảm 4,5%; sản xuất trang phục tăng 15,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 7,9%; sản xuất kim loại giảm 5,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,1%; khai thác xử lý và cung cấp nước giảm 1,3%...

Minh Anh

Top