Tăng cường an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân

14/03/2019 4:20 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 14/3, đoàn giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội do đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Nam

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân cho biết, tính đến 31/12/2018, TP Hà Nội có khoảng hơn 255.200 doanh nghiệp, khoảng 1.350 làng nghề với 300 làng nghề được công nhận; 9 khu công nghiệp, chế xuất; 111 Cụm công nghiệp đã và đang triển khai xây dựng, trong đó, 70 cụm công nghiệp cơ bản đã được lấp đầy và đi vào hoạt động ổn định và nhiều công trình xây dựng lớn, công trình xây dựng nhà dân dụng; các khu trung tâm thương mại, chợ đầu mối… với tổng số lao động khoảng 3,8 triệu người. Ngoài ra, hàng ngày, có hàng trăm nghìn lượt lao động tự do ra vào TP làm việc.

Trong những năm qua, chính quyền từ TP đến cơ sở luôn quan tâm, coi trọng công tác ATVSLĐ và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng; đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ đến các doanh nghiệp, người lao động và nhân dân trên địa bàn; các phong trào thi đua thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, bảo đảm môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc tuân thủ chính sách, pháp luật về ATVSLĐ phòng ngừa nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh được tổ chức thường xuyên rộng khắp. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.

Về công tác xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, thực hiện cơ chế tự chủ trong 10 năm qua, ngành Y tế có bước chuyển tích cực như chuyển từ “ngân sách nhà nước bao cấp hoàn toàn” cho hoạt động của đơn vị sự nghiệp công sang “xã hội hóa”; chuyển từ “viện phí” sang “giá dịch vụ”, khắc phục tình trạng “bao cấp tràn lan”…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, mặc dù TP Hà Nội đã triển khai tích cực về Luật ATVSLĐ nhưng nhận thức chấp hành Luật của chủ lao động vẫn còn hạn chế. TNLĐ có xu hướng tăng, trong đó, số nạn nhân thuộc nhóm không có có hợp đồng lao động lại chiếm tỷ lệ cao; số đơn vị doanh nghiệp tổ chức sức khỏe định kỳ cho người lao động thấp, số người có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp tăng…

Đồng thời cho rằng, Hà Nội có quy mô dân số lớn, lao động từ khắp nơi đổ về cũng là thách thức lớn trong quản lý ATVSLĐ. Bên cạnh đó, người lao động và chủ sử dụng lao động đều chưa quan tâm đúng mức về ATVSLĐ, nhất là ở các doanh nghiệp ở quy mô nhỏ lẻ...

Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, trong những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, theo hướng để nhân dân vào cuộc. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt ở các bệnh viện công lập, trong đó nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác khám chữa; tập trung vào y tế cơ sở; bổ sung lực lượng bác sĩ vào các trạm y tế; quan tâm công tác bảo hiểm y tế ở cơ sở; quản lý dược tư nhân; xã hội hóa tập trung vào tự chủ cho các đơn vị.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, về công tác ATVSLĐ, TP Hà Nội đã thực hiện bài bản, nhất là trong công tác thanh tra kiểm tra, khám chữa bệnh nghề nghiệp làm tốt, công tác tuyên truyền toàn diện rộng khắp.

Tuy nhiên, TP cần phải thường xuyên đo kiểm môi trường, khám sức khỏe để phát hiện bệnh nghề nghiệp, có các giải pháp phòng ngừa TNLĐ trong điều kiện môi trường lao động có nguy cơ tai nạn cao...

Trưởng đoàn giám sát đề nghị Thành phố tập trung xây dựng, phát triển tuyến y tế cơ sở; cải cách tài chính y tế, tăng tỷ lệ đầu tư cho y tế dự phòng; phát triển bảo hiểm y tế trong học sinh, sinh viên và thực hiện xã hội hóa trong y tế bảo đảm quyền lợi hài hòa các bên, đồng thời kiểm soát tốt cả chuyên môn, nhân lực, nhất là các phòng khám có yếu tố nước ngoài.

Thành Nam

Top