Tăng cường bảo vệ ‘lá phổi’ của Thành phố

12/08/2019 11:55 AM

(Chinhphu.vn) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết vừa rà soát việc tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới trong hình thức sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn thành phố.

Sở TN&MT yêu cầu, đối với rừng nghèo, kiệt, phải nhanh chóng tu bổ, cải tạo để làm giàu rừng; những nơi đất trống, đồi núi trọc phải trồng rừng kịp thời theo đúng quy hoạch

Theo đó, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng của thành phố là hơn 27.159 ha, trong đó: Diện tích đất có rừng hơn 19.637 ha (Rừng tự nhiên hơn 7.583 ha, rừng trồng hơn 10.749 ha; rừng trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng hơn 1.303 ha). Diện tích đất chưa có rừng quy hoạch phát triển rừng là hơn 7.522 ha (bao gồm diện tích núi đá, đường lâm nghiệp...). Diện tích rừng của Hà Nội, gồm: Diện tích rừng đặc dụng hơn 10.964 ha; rừng phòng hộ hơn 5.865 ha; rừng sản xuất hơn 9.856 ha; rừng ngoài đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 473 ha.

Về thực trạng tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới trong hình thức sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp, thì từ năm 1988, UBND thành phố có chủ trương, chính sách cho hộ gia đình, cá nhân mượn đất trống, đồi trọc để phát triển ngành kinh tế đồi rừng. Thời gian tối thiểu mượn đất để sản xuất kinh doanh quy định là 30 năm. Diện tích đất rừng tập trung hiện nay tại các đơn vị như Vườn quốc gia Ba Vì 7.082 ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội hơn 5.329 ha, Khu K9 234 ha…

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hiện nay, phần lớn diện tích đất rừng đã được giao ổn định và quản lý đến nay. Một số diện tích đất rừng hiện nay Nhà nước thu hồi để thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, một số diện tích giao cho các tổ chức thực hiện các dự án du lịch sinh thái, một số tổ chức cá nhân thuê đất rừng của các hộ gia đình để thực hiện dự án bảo vệ, phát triển rừng và kết hợp phát triển trang trại, du lịch sinh thái, Từng bước tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân địa phương.

Tuy diện tích rừng của Hà Nội không lớn, phân bố ở 7 huyện, thị xã (Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất và Sơn Tây), song rừng và cây xanh trên địa bàn Thủ đô giữ vai trò rất quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, nguồn nước, bảo vệ đất đai, đặc biệt là bảo vệ môi trường sống cho cả thành phố và các vùng phụ cận; là lá phổi xanh của thành phố và của khu vực, là vành đai bảo vệ anh ninh quốc phòng của Thủ đô, đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Để làm tốt việc tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới trong hình thức sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện rà soát, phân định rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện cắm mốc giới để xác định ranh giới rừng ngoài thực địa; thực hiện giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng cho thuê rừng; tham mưu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho ngành Lâm nghiệp Hà Nội tích tụ rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện cơ giới hoá trong trồng rừng, bảo vệ rừng, khai thác rừng và chế biến lâm sản…

Tăng cường bảo vệ rừng, diện tích đất lâm nghiệp

Để có phương án quản lý rừng và đất lâm nghiệp bền vững, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố vừa có Công văn số 7141 đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã có rừng thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu rõ, ngày 27/6 vừa qua, UBND thành phố có Văn bản số 2659/UBND-KT về tập trung chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố, xây dựng, trình duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Trong đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn thành phố tổ chức giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện theo đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện theo đúng quy định.

Do đó, để có cơ sở thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở NN&PTNT, cho ý kiến về quy định của pháp luật và điều kiện giao rừng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Còn UBND các huyện, thị xã có rừng rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố; thống kê cụ thể số lượng và diện tích đất theo từng thửa, đề xuất giải pháp báo cáo Sở NN&PTNT để chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất tham mưu dự thảo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.

Trên cơ sở kết quả rà soát và đề xuất của UBND các huyện, thị xã nơi có rừng, nội dung thực hiện của Sở NN&PTNT theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 2659/UBND-KT ngày 27/6/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp cùng Sở NN&PTNT nghiên cứu, hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo quy định, báo cáo UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền (nếu có).

Sở TN&MT cũng nêu nguyên tắc là rừng sản xuất được giao cho các Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, Liên hiệp nguyên liệu giấy, gỗ mỏ, lâm trường, hợp tác xã, cơ quan, đơn vị khác và hộ gia đình để sản xuất, kinh doanh phải thực hiện chuyên canh, thâm canh, nông lâm kết hợp để tạo ra nhiều sản phẩm.

Đối với rừng giàu, rừng trung bình, khi khai thác lâm sản phải theo đúng quy hoạch, kế hoạch, phương án điều chế, thiết kế sản xuất, quy trình kỹ thuật và chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước giao hàng năm.

Đối với rừng nghèo, kiệt, phải nhanh chóng tu bổ, cải tạo để làm giàu rừng; những nơi đất trống, đồi núi trọc phải trồng rừng kịp thời theo đúng quy hoạch và bảo đảm mục đích kinh tế.

Đồng thời, để bảo đảm phát triển và bảo vệ rừng bền vững, các đơn vị và hộ gia đình được Nhà nước giao đất, giao rừng để sử dụng, kinh doanh đều phải tuân theo sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cơ quan lâm nghiệp các cấp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ, luật pháp của Nhà nước về lâm nghiệp.

Vĩnh Hoàng

Top