Tăng cường việc rửa tay tại các trường học

06/12/2018 3:37 PM

(Chinhphu.vn) - Mỗi cm 2 trên bàn tay chúng ta chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay - chân - miệng… Cách tốt nhất để các vi khuẩn này không vào được cơ thể hay phát tán chính là vệ sinh đôi tay.

Các cô giáo hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách. Ảnh: Đỗ Hương

Rửa sạch tay đúng cách chỉ mất 30 giây. Chúng ta có thể vệ sinh tay bất cứ lúc nào, nhưng không thể bỏ qua các thời điểm sau: (trước khi ăn, trước khi lau mặt, trước khi cho trẻ ăn, trước khi chuẩn bị thức ăn…). Người lớn nên rửa tay ít nhất 6 lần/ngày. Trẻ em rửa tay nhiều hơn, nhất là khi có sự thay đổi môi trường như từ trường về nhà, từ nhà đến trường, đi xe công cộng.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội), việc rửa tay với xà phòng hết sức quan trọng. Tại các trường học việc này đã được hết sức lưu ý, nhất là tại các trường mầm non. Bài hát dân vũ về rửa tay từ cô đến trò đều thuộc. Thói quen này cần được phát triển để từ cô đến trò đều áp dụng thường xuyên.

Tại các trường phải đảm bảo tối thiểu vòi rửa (200 hoc sinh/vòi), nước sạch (4 lít nước/tiết học), xà phòng tại mỗi vòi rửa. Tại các trường việc khuyến cáo rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh với trẻ, trước khi tiếp xúc với trẻ với cô giáo. Đặc biệt, tại các bếp ăn trong trường, nhân viên trong bếp cũng được khuyến cáo phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, đảm bảo vệ sinh tay trong quá trình chế biến.

Việc kiểm tra việc rửa tay, hầu hết các trường trong nội thành cơ bản thực hiện tốt. Tuy nhiên, khu vực ngoại thành, nông thôn thì còn nhiều hạn chế. Có trường số lượng vòi không đảm bảo, 1.000 đến 2.000 học sinh nhưng chỉ có 1 vòi rửa, hoặc có vòi thì vòi không có khóa, không có nước, không có xà phòng rửa tay. Đây cũng là điều cần phải khắc phục sớm.

Theo Tổ chức đối tác rửa tay toàn cầu, điều kiện vệ sinh kém làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ, hạn chế sự phát triển thể chất, hệ miễn dịch; 33%-66% trường hợp suy dinh dưỡng trên toàn cầu bắt nguồn từ việc thiếu điều kiện vệ sinh và nước sạch.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tiêu chảy và viêm phổi là hai bệnh chính liên quan đến việc lây truyền các mầm bệnh qua bàn tay và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 3,5 triệu trẻ em trên thế giới hằng năm. Ngoài ra, vệ sinh kém cũng góp phần làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán...

Tại Việt Nam, theo niên giám thống kê y tế, bệnh tiêu chảy cũng là bệnh có tỷ lệ mắc cao thứ hai ở nước ta. Tuy nhiên, việc rửa tay với xà phòng vẫn chưa trở thành thói quen thường xuyên của nhiều người dân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rửa tay được coi là liều vaccine tự chế, rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Những năm gần đây, Bộ Y tế đã phát động phong trào vệ sinh bàn tay ở cả bệnh viện và cộng đồng. Theo nhiều báo cáo của các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn trong và ngoài nước thì các bệnh truyền nhiễm đã và đang diễn ra trong cộng đồng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giữ gìn vệ sinh, trong đó có rửa tay bằng xà phòng.

Theo đó, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19-45%. Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh.

Đỗ Hương

Top