Tăng tốc cho mục tiêu ‘xóa nghèo’

31/08/2020 2:59 PM

(Chinhphu.vn) - Để giữ vững mục tiêu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đã và đang huy động các nguồn lực nhằm trao sinh kế, tạo giá đỡ an sinh, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.

Nhờ vốn giảm nghèo nhiều bạn trẻ đã vươn lên làm chủ trên chính mảnh đất quê hương mình - Ảnh: An Khê

Hỗ trợ người dân trong mùa dịch

Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô, toàn thành phố có khoảng 1 triệu người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19. Trước thực trạng này, các ngành, đơn vị, địa phương của thành phố đã bố trí ngân sách, huy động nguồn xã hội hóa để trợ giúp nhiều mặt cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Đến thời điểm này, các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ đã đến với nhiều người dân, hộ gia đình ở Thủ đô. Ngoài chính sách chung, 30/30 quận, huyện, thị xã đã rà soát, lập danh sách gần 24.000 hộ đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh, học nghề, tạo việc làm… Nhằm hỗ trợ người dân, từ cuối tháng 4/2020, thành phố đã bổ sung 650 tỷ đồng ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vay vốn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng đánh giá, việc đưa nguồn vốn kịp thời đến với người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 là "phao cứu sinh" để họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cùng với đó, các ngành, địa phương đã chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt.

Nhằm bảo đảm đời sống dân sinh, đồng thời phấn đấu hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo vào cuối năm nay, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân tự vươn lên. Trong đó, những huyện có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú như: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai… đã định hướng cho người dân phát triển mô hình trồng các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, kết hợp với chăn nuôi tập trung.

Còn đối với những địa phương có khu công nghiệp, làng nghề… công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được tập trung, quan tâm. Tại huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hữu Mạnh cho biết, năm 2020, huyện sẽ hoàn thành việc tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho gần 1.000 lao động, giải quyết việc làm mới cho 3.000-4.000 lao động. Tương tự, huyện Thường Tín sẽ giải quyết việc làm mới cho ít nhất 3.500 người; từng bước đưa người bị mất việc làm trở lại thị trường lao động…

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho hay, từ nay đến cuối năm 2020, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ giảm nghèo lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác; nghiên cứu, đề xuất thành phố bổ sung nguồn vốn cho vay để đào tạo nghề, tạo việc làm… Ngoài ra, các địa phương phối hợp với hệ thống trường nghề, doanh nghiệp tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề, tạo việc làm cho khoảng 160.000 người.

Riêng người dân khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình đề nghị UBND Thành phố xây dựng phương án cứu trợ bảo đảm đời sống nhân dân. Tại Quyết định số 2176/QĐ-UBND ngày 28-5-2020, UBND Thành phố cũng đã giao các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa hỗ trợ nhân dân với kinh phí dự kiến là hơn 96 tỷ đồng.

9 quận, huyện không còn hộ nghèo

Theo Báo cáo của Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị số 40- CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) đã được Đảng ủy các cấp quán triệt, phổ biến rộng rãi và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản gắn với các cơ chế đặc thù của TP.Hà Nội.

Theo đó, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40, Thành ủy đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực tài chính, hằng năm bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Hiện nay, toàn TP.Hà Nội đang quản lý và triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ cho vay đến 30/6/2019 đạt 7.913 tỷ đồng, với 487.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn, tăng 3.192 tỷ đồng so với năm 2014.

Đến 30/6/2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH thành phố đạt 4.047 tỷ đồng; riêng trong 5 năm qua đã bổ sung gần 3.000 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với trước khi thực hiện chỉ thị.

Bên cạnh nguồn vốn được ủy thác từ ngân sách thành phố, 100% các quận, huyện, thị xã đã quan tâm, bố trí ngân sách cấp huyện bổ sung vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai đến 30/30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường thị trấn của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời.

Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, đã có trên 600.000 lượt hộ cận nghèo, hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn; 235.000 lượt người được vay vốn để giải quyết việc làm; 17.600 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; qua đó giúp trên 193.000 lượt hộ thoát nghèo.

Tại xã Chương Dương (huyện Thường Tín), sau Chỉ thị số 40, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã rõ nét từ tuyên truyền đến việc chủ động rà soát các hộ dân trên địa bàn để kịp thời bổ sung vào danh sách đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh, bảo đảm họ được quan tâm giúp đỡ, được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi vay vốn tín dụng chính sách để tổ chức sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chương Dương Huỳnh Ngọc Huệ cho biết: Từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, trên địa bàn xã đã thực hiện cho vay được 962 lượt hộ, với số tiền là gần 23 tỷ đồng, trong đó 239 lượt hộ nghèo, cận nghèo; 340 lượt lao động được vay vốn để giải quyết việc làm...

Những hiệu ứng từ tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao chất lượng sống nhân dân, đưa Chương Dương chính thức được công nhận xã nông thôn mới đầu 2017.

Những kết quả trên đã đóng góp tích cực vào thành tích chung của thành phố trong việc hoàn thành và về đích sớm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, nhất là 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 0,42% (cuối năm 2019); có 9 quận, huyện không còn hộ nghèo. Hà Nội cũng có 355/386 (trên 96%) xã đạt chuẩn nông thôn mới...

An Khuê

Top