Tăng trưởng công nghiệp nông thôn đạt trên 10%/năm

14/04/2016 4:43 PM

(Chinhphu.vn) - Qua 5 năm triển khai Chương trình công tác khuyến công trên địa bàn Thủ đô, tốc độ tăng trưởng bình quân công nghiệp nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 10%/năm, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ.

Tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong công tác khuyến công. Ảnh: Thùy Linh

Sáng 14/4, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức tổng kết công tác khuyến công giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.

Qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trong chương trình cơ bản đã hoàn thành. Với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng, trong giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nội đã tổ chức 473 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 17.800 lao động nông thôn với các nghề như: Dệt may, da giầy, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, cơ khí...

Kết thúc các khóa truyền nghề, cấy nghề, trên 80% số lao động có việc làm. Đặc biệt từ năm 2012 - 2015 đã cấy nghề cho 250 làng thuần nông, các làng được cấy nghề cơ bản duy trì được nghề sau khi cấy.

Với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, Hà Nội đã tổ chức 35 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng… cho 3.000 lượt cán bộ lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn…

Nhìn chung, các mục tiêu đề ra của Chương trình cơ bản đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 10%/năm, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn hàng năm chiếm từ 25 - 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn Thành phố, giá trị xuất khẩu ước đạt gần 1 tỷ USD (riêng nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt kim ngạch trên 200 triệu USD năm 2015). Thu nhập bình quân đạt 2 triệu đồng/người/tháng (mục tiêu Chương trình đề ra là 1,8 triệu đồng/người/tháng).

Đặc biệt, trong 5 năm triển khai Chương trình khuyến công giai đoạn 2011 - 2015, đã có gần 50.000 lao động nông thôn đã được tạo việc làm thông qua (chiếm trên 7% tổng số lao động được tạo việc làm toàn Thành phố), đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội tăng lên đáng kể (trên 42%)…

Đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực nông thôn

Triển khai công tác khuyến công giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng như: Phát triển công nghiệp nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực ngoại thành theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

Đồng thời, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các ngành có khả năng phát huy lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng về thị trường tiêu dùng trong nước và có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, da giầy, chế biến nông sản thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống (mây tre, gốm sứ, khảm trai…) phù hợp với quan điểm xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập.

Qua đó, Thành phố sẽ tiến hành hỗ trợ cho khoảng trên 7.000 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố theo chương trình khuyến công; đào tạo việc làm cho khoảng 60 - 75 nghìn lao động nông thôn; tạo ra trên 2.500 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu…

Thùy Linh

Top