Tăng trưởng du lịch đóng góp cho phát triển Thủ đô Hà Nội

23/06/2019 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Giai đoạn 2016-2018 lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội lên tới 22,5%/năm. Đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP Thành phố có thể coi là những kết quả bước đầu đáng kể cho định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn mà thành thành phố Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo xuyên suốt trong những năm gần đây?

Ảnh minh họa

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch

Năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Năm 2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, trong đó xác định mục tiêu “Tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; đưa Hà Nội trở thành điểm đến  hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước”. 

Thực hiện chủ trương này, những năm qua, công tác thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch Hà Nội được chú trọng tăng cường. Hà Nội khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao. Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm chỉ đạo xúc tiến đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch. Lập danh mục các dự án để tập trung chỉ đạo thực hiện đầu tư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Từ 2016 đến nay, Thành phố đã triển khai nhiều dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch như triển khai quy hoạch, đầu tư dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; dự án công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy; dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu, huyện Quốc Oai; cùng các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch và khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp.

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tính đến nay đã có 75 dự án xây dựng cơ sở lưu trú, khách sạn cao cấp đã được UBND thành phố Quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận nguyên tắc về chủ trương đầu tư đang triển khai với tổng số gần 20.000 phòng.

Tính đến tháng 6/2019, Hà Nội có 3.499 cơ sở lưu trú với 60.812 buồng. Trong đó có 561 cơ sở lưu trú đã xếp hạng đang hoạt động với 22.733 phòng (67 khách sạn được xếp hạng từ 3-5 sao với 10.004 buồng phòng, 07 khu căn hộ du lịch cao cấp từ 4-5 sao với 1.349 phòng). Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Thủ đô đã có sự hiện diện của các thương hiệu quản lý hàng đầu thế giới cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng khách; đủ năng lực phục vụ thành công nhiều sự kiện trong nước và quốc tế. Thực tế hiện nay khách du lịch quốc tế đang lưu trú tại 2.402 khách sạn và nhà nghỉ, 10.859 nhà cho người nước ngoài thuê (nhà dân, nhà chung cư), 2.019 nhà dân không kinh doanh (nhà dân có người thân là người nước ngoài đến ở trong thời gian lưu trú tại Hà Nội).

Những năm qua, Hà Nội cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, dự án, đề án cụ thể nhằm xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, bảo đảm các sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội. 

 

Du lịch Hà Nội tăng trưởng tích cực

 

Giai đoạn 2016-2018 lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội lên tới 22,5%/năm. Năm 2018, Thủ đô Hà Nội đã đón 26,30 triệu lượt khách, tăng 10,4%, chiếm 27,5% cả nước; trong đó khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 6,005 triệu lượt, chiếm tỷ trọng 38,7% so với cả nước, hoàn thành vượt 105,2% chỉ tiêu đến năm 2020 tại Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra. Theo bảng xếp hạng 100 thành phố điểm đến hàng đầu năm 2018 của tập đoàn EuroMonitor International công bố ngày 05/12/2018, Hà Nội đứng thứ tư so với Thủ đô các nước trong khu vực Đông Nam Á về đón khách quốc tế, sau Bangkok (23,69 triệu lượt), Singapore (18,55 triệu lượt), Kuala Lumpur (13,43 triệu lượt).        

Tổng thu từ khách du lịch tăng từ 61.778 tỷ đồng năm 2016 lên 77.480 tỷ đồng vào năm 2018. Tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quan 03 năm (2016-2018) đạt 12,1%. 

Theo kết quả điều tra khách du lịch đến Hà Nội năm 2017 và 2018, do Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an Thành phố, Cục Thuế Thành phố tổ chức điều tra (theo phương án điều tra được Tổng cục Thống kê phê duyệt thống nhất sử dụng) đã cho thấy sự tăng trưởng tích cực của Du lịch Hà Nội.

Theo đó, về thời gian lưu trú bình quân, đối với khách du lịch quốc tế từ 3,64 ngày năm 2017, tăng lên 3,67 ngày năm 2018 (vượt chỉ tiêu Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đề ra đến năm 2030 số ngày lưu trú bình quân khách nước ngoài đạt 3,5 ngày); đối với khách du lịch nội địa từ 2,12 ngày, tăng lên 2,32 ngày (vượt chỉ tiêu Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đề ra đến năm 2020 số ngày lưu trú bình quân khách nội địa đạt 2 ngày)

Năm 2018, khách du lịch quốc tế có lưu trú mức chi tiêu trung bình đạt trên 2,6 triệu đồng/lượt khách/ngày khách (tương đương 113,5 USD), tăng gần 18% so với 2017. Khách quốc tế trong ngày đạt trên 2,1 triệu đồng/lượt khách/ngày khách, tăng gần 13% so với 2017. 

Khách nội địa lưu trú đạt 1,75 triệu đồng/lượt khách/ngày khách, tăng 3,2% so với 2017, vượt 9,3% chỉ tiêu về mức chi tiêu bình quân Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đề ra giai đoạn 2016-2020; khách nội địa trong ngày đạt gần 1,4 triệu đồng/lượt khách/ngày khách, tăng 27% so với 2017.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, so sánh với theo báo cáo thống kê của Mastercard công bố ngày 25/9/2018, mức chi tiêu của khách quốc tế đến Kuala Lumpur (124 USD), Tokyo (154 USD), Bangkok (173 USD), Seoul (181 USD)…Như vậy mức chi tiêu của khách du lịch đến Hà Nội tuy còn thấp hơn nhưng đang dần tiệm cận với các Thành phố du lịch lớn trong khu vực và trên thế giới.

Theo kết quả điều tra, cơ cấu chi tiêu của khách du lịch đến Hà Nội bao gồm các khoản chi bắt buộc (lưu trú, đi lại, ăn uống, tham quan) và các khoản chi không bắt buộc (mua sắm, vui chơi giải trí, y tế,…) Theo kết quả điều tra khách du lịch đến Hà Nội năm 2018, đối với khách du lịch quốc tế và nội địa có lưu trú, cơ cấu chi tiêu của các đối tượng khách này nhiều nhất cho lưu trú chiếm trên 32% trong tổng chi tiêu, tiếp đến là dịch vụ ăn uống chiếm bình quân 25% trong tổng chi của du khách, tiếp đến là chi cho đi lại, mua sắm, vui chơi giải trí, y tế và dịch vụ khác.

Đối với khách du lịch quốc tế và nội địa trong ngày, cơ cấu chi tiêu cũng thay đổi với từng đối tượng khách cụ thể. Chi ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất trên 33%, tiếp đến là đi lại, mua sắm, tham quan, vui chơi giải trí, y tế và dịch vụ khác.

Thông qua kết quả cuộc điều tra và kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển du lịch năm 2018, đã cho thấy đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP Thành phố ngày càng tích cực. Năm 2017, đã đóng góp 8,07% vào GRDP Thành phố, trong đó tỷ trọng đóng góp trực tiếp đạt 3,24%, đóng góp gián tiếp là 4,83%; năm 2018 đã đóng góp 10,15% vào GRDP Thành phố, trong đó đóng góp trực tiếp là 4,12% và đóng góp gián tiếp là 6,03%

Với Hà Nội nằm trong top các điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới, đồng thời nhận nhiều giải thưởng và đề cử danh giá bởi các tổ chức quốc tế cho thấy hình ảnh Thủ đô Hà Nội là một điểm đến “an toàn - thân thiện – chất lượng - hấp dẫn“ ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. 

 

Phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch vốn có

 

Những so sánh về mức độ tăng trưởng của các chỉ tiêu phát triển du lịch cho thấy hiệu quả kinh tế du lịch Thủ đô đã đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, mức tăng này chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của Hà Nội. Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch đến Hà Nội còn chưa tích cực; chi tiêu cho dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển chiếm tỷ lệ trên 70%; chi tiêu cho dịch vụ tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm… chiếm dưới 30% tổng mức chi tiêu của chuyến đi. 

Sản phẩm du lịch chủ đạo của Hà Nội là du lịch văn hóa chưa thực sự phát huy và khai thác hiệu quả nhất. Chất lượng một số điểm đến du lịch còn có hạn chế về vệ sinh môi trường, tổ chức dịch vụ, hướng dẫn viên tại điểm,…

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch ở những thời điểm cao điểm còn thiếu về số lượng, chất lượng, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách. Tiến độ một số đề án, dự án phát triển du lịch triển khai còn chậm; vấn đề vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông vẫn còn những bất cập cần giải quyết, ảnh hưởng đến du lịch Thủ đô.

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, điểm đến du lịch để gia tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Hà Nội.

Theo đó, để khắc phục các hạn chế trên, trong thời gian tới thành phố Hà Nội tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch. Trong đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao chất lượng điểm đến và đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch. Thúc đẩy tiến độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch, trong đó đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch. Chú trọng tháo gỡ khó vướng mắc sớm đưa vào hoạt động các công trình đầu tư có quy mô lớn tầm cỡ khu vực như: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); công viên Hello Kitty World... Đẩy nhanh tiến đầu tư dự án Bảo tàng Hà Nội (phần nội dung trưng bày); dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long; dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc…

Triển khai hiệu quả kế hoạch chuyên đề nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch trọng điểm, hình thành 20-30 khu, điểm du lịch có chất lượng cao trên địa bàn Thành phố. Phát huy di sản văn hóa, làng nghề, làng cổ tạo thành điểm đến du lịch hấp dẫn phục vụ khách du lịch.

Chủ động chuẩn bị tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế lớn tại Hà Nội trong thời gian tới như Giải đua xe ô tô công thức 1, đăng cai tổ chức Sea Games 31… để thu hút khách du lịch quốc tế. Tiếp tục hoạt động liên kết du lịch có trọng tâm, trọng điểm.

Chú trọng khai thác lợi thế của văn hóa ẩm thực của Thủ đô Hà Nội, phát triển các Trung tâm ẩm thực; tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội định kỳ 02 lần/năm, góp phần thúc đẩy phát triển điểm đến du lịch của Hà Nội.

Phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương; mở rộng phát triển du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch y tế và các loại hình du lịch có tiềm năng và điều kiện phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu.

Bên cạnh đó, ngành du lịch tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo môi trường du lịch, tập trung vào môi trường hoạt động kinh doanh du lịch và an ninh an toàn đối với khách du lịch; Tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch cũng sẽ được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Thủ đô trong thời gian tới. Sở Du lịch sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, thực hiện Chương trình hợp tác giai đoạn 2019 - 2024 giữa Thành phố Hà Nội và kênh CNN quốc tế. Tham gia Hội nghị thường niên của tổ chức Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á (CPTA) 2019, tham dự hội nghị và các hoạt động hợp tác phát triển du lịch của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố Châu Á - Thái Bình Dương (TPO).

Triển khai đề án du lịch thông minh, hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng các thành phần cơ bản của hệ thống đảm bảo tính tiện ích, hấp dẫn, hiệu quả; Phối hợp với các hãng hàng không, truyền thông trong nước, quốc tế, các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch đón các đoàn Fam là các doanh nghiệp, phóng viên báo chí từ các thị trường khách quốc tế trọng điểm (Châu Âu, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…) đến khảo sát các sản phẩm du lịch của Hà Nội và các địa phương liên kết để quảng bá thu hút khách du lịch. Gắn kết các hoạt động quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội tại các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm và tiềm năng của du lịch Thủ đô với thực tiễn của các doanh nghiệp du lịch.

Theo ông Trần Đức Hải, để thúc đẩy tăng nguồn thu cho du lịch, ngành du lịch tiếp tục duy trì nhằm giữ ổn định cơ cấu chi của khách du lịch trong các khoản chi cứng về lưu trú, ăn uống, đi lại, tham quan; đồng thời, tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm mua sắm, các khu vui chơi giải trí, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe; phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách để thúc đẩy tăng cơ cấu chi của du khách cho các khoản chi này.

Hà Nội đã đề chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình 8% - 10%/năm; tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình 15% -17%/năm.

Minh Anh

 

 

Top