Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp ‘vượt khó’ hậu Covid-19

04/06/2020 11:00 AM

(Chinhphu.vn) - Sau hơn một tháng dừng giãn cách xã hội và chuyển sang trạng thái "bình thường mới", các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã dần phục hồi. Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan quản lý vẫn còn có khó khăn và việc tìm kiếm khách hàng vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp.

Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Chính phủ với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thiên Lộc. Ảnh: Minh Anh

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thiên Lộc cho biết, doanh nghiệp Thiên Lộc là doanh nghiệp làng nghề, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. Mặt hàng mỹ nghệ của công ty Thiên Lộc xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu ở thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp Thiên Lộc cũng như nhiều doanh nghiệp trong làng nghề gặp rất nhiều khó khăn khăn, sản xuất kinh doanh giảm tới 80%. Hết giãn cách, công ty đã quay lại sản xuất nhưng thực tế thị trường chưa phục hồi được, hàng chưa thể xuất khẩu đi các nước.

Theo bà Hương, vừa qua Sở Công thương Hà Nội và HHDNNVV Thành phố đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, doanh nghiệp. Đây là cơ hội được giới thiệu sản phẩm tới các chủ doanh nghiệp, các đối tác trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, bà Hương cũng cho biết, do đặc điểm công ty là làng nghề, công nhân là nông dân, sản xuất trong những ngày nông nhàn, xưởng là nhà của họ, những doanh nghiệp làng nghề như Thiên Lộc hầu như đều không có nhà xưởng tập trung. Gặp khó khăn về vốn thì không tiếp cận được do không có mặt bằng lớn, không có xưởng sản xuất. Dù Hiệp hội DNNVV Hà Nội đã tích cực hỗ trợ tiếp cận các ngân hàng nhưng quy định về nhà xưởng, và các điều kiện không đáp ứng được nên không thể vay vốn kinh doanh được, chưa nói đến các nguồn vốn ưu đãi. “Chúng tôi thực sự mong chính sách của Chính phủ và chính quyền Thành phố bám sát hơn nữa với thực tế để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đồng thời mang lại nhiều công ăn việc làm cho người nông dân”, bà Hương chia sẻ.

 

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Công ty CP Dự án Công nghệ Nhật Hải- OIC New. Ảnh: Minh Anh

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Công ty CP Dự án Công nghệ Nhật Hải- OIC New là một trong số các doanh nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội cho biết, thời điểm trước khi dịch bệnh, doanh nghiệp nghiên cứu sản phẩm công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ nano dược liệu có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công ty đã chủ động đầu tư, nghiên cứu tìm kiếm để sản xuất được các sản phẩm chất lượng, đạt được tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Được cấp bằng sáng chế và thị trường chấp nhận, xuất khẩu đi Singapore và nhiều nước khác.

Bà Ánh Tuyết cho biết: “Trong thời điểm dịch covid-19, vì các sản phẩm của công ty là sản phẩm chăm sóc sức khỏe nên vẫn duy trì sản xuất. Doanh nghiệp đã thay đổi cách thức online, tập trung sản phẩm phòng chống Covid-19. Tuy nhiên ngay trong thời điểm đó cũng có nhiều khó khăn trong sản xuất do nguồn nguyên liệu khan hiếm hoặc do quy định giãn cách cũng khiến các cơ quan chức năm xử lý các thủ tục cấp phép cho các sản phẩm mới chậm hơn.

Theo bà Tuyết, hiện tại, OIC New vẫn gặp nhiều khó khăn, chính sách của nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng đã có rồi, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đối với doanh nghiệp. Vì đặc thù của doanh nghiệp khoa học công nghệ là cần đầu tư nhiều cho nghiên cứu. “Chúng tôi mong muốn sự quan tâm nhanh hơn nữa từ chính sách để đón được cơ hội, cho ra đời và cung cấp các sản phẩm giúp phòng chống Covid-19 từ công nghệ Nano đến được khách hàng mục tiêu. Nghĩa là, chúng tôi mong có thể được vay tín chấp để phục vụ nghiên cứu để kịp thời. Bên cạnh đó, đối với dòng sản phẩm phòng chống dịch bằng sản phẩm nano dược liệu, doanh nghiệp cần có được sự ủng hộ, hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng cho quy trình test thử nghiệm tại Việt Nam, cũng như tại nước ngoài đối với sản phẩm nghiên cứu mới trong dịch Covid. Đây thực sự là trăn trở mong muốn đau đáu của doanh nghiệp OIC:”- Bà Ánh Tuyết nói.

Ông Đỗ Đăng Trung-Giám đốc công ty Newland Discovry Travel. Ảnh: Minh Anh

Ông Đỗ Đăng Trung, Giám đốc công ty Newland Discovry Travel cho biết, dịch Covid- 19 ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến ngành du lịch. Các Hãng hàng không dân dụng, khách sạn, công ty lữ hành là đầu sóng chịu tác động ảnh hưởng này. Flytime thuộc Newland Discovry Travel là đại lý vé máy bay chính hãng cho các Hãng hàng không cũng là một trong những mảng kinh doanh của công ty có thiệt hại ngay lập tức khi khách hàng dừng bay. Bên cạnh đó, lượng khách hàng hoàn, huỷ đổi vé, đổi ngày, và khiếu nại và than phiền khiến các đại lý và các Hãng Hàng không cũng ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và Thương hiệu.

Ông Trung nói “Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra các gói kích cầu rất kịp thời và thiết thực cho các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, để triển khai được đến những doanh nghiệp vẫn còn chậm. Đặc biệt, ngân hàng cũng còn chậm để thực hiện việc giãn nợ, giảm lãi và khoảng thời gian rất ngắn để cho phục hồi tốt hơn. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng, từ chủ trương đến triển khai thực hiện thì cần được xem xét kỹ và nhanh giải quyết nhanh những đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ phục hồi và phát triển”

Hiện tại, Công ty Newland Discovry Travel cũng đang phải cố gắng để chủ động, tự chủ , và cố gắng gồng gánh cùng với toàn thể CBNV giảm lương, làm thu nhập. Đây cũng là khoảng thời gian tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức học hỏi, đào tạo và xử lý tình huống để phục vụ khách hàng càng tốt hơn.


Đại diện Công ty du lịch lữ hành Vietsense Travel, bà Mai Hương cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã làm thiệt hại rất nhiều đến lượng khách của công ty. Đặc biệt là mảng khách inbound và inbound tê liệt, tạm dừng hoạt động suốt thời gian dài. Kể từ sau khi hết giãn cách xã hội và dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, công ty đã hướng tới khách nội địa. Với chương trình kích cầu du lịch nội địa, phục hồi sau dịch bệnh, với sự hỗ trợ của các Hãng hàng không và các khu nghỉ dưỡng miền Trung và miền Nam. Công ty hiện có Combo khuyến mại khá lớn để thúc đẩy kinh doanh, tuy nhiên, tại khu vực ngoài Bắc thì vẫn còn khó khăn, giá tour cũng cao, mọi người thích đi chơi xa nên cung đường bay thì khách nhiều hơn so với đường bộ.
Cũng theo bà Mai Hương, sau dịch bệnh, nhu cầu và thói quen đi du lịch trước đây cũng có những thay đổi. Nhiều gia đình khi đi tour gần chọn cách tự tổ chức đi nhiều hơn; mọi người đều có kênh thông tin liên lạc rất là tiện lợi. Do đó các tuyến ngoài Bắc, các điểm du lịch đã cơ bản phục hồi nhưng các công ty du lịch không khai thác được đối tượng khách này. Đặc biệt những công ty lữ hành lớn như Vietsense Travel. Bà Hương đánh giá, thị trường miền Bắc mới phục vụ được 30%. Còn miền Trung và miền Nam là 70%, 80%.

Bà Hương chia sẻ: “Hiện nay Sở Du lịch Hà Nội đã thực hiện kích cầu du lịch, phối hợp với các địa phương các tỉnh trong nước đưa ra các phương án để kích cầu du lịch, nhưng trên thực tế còn chưa bám vào tâm lý du lịch của khách hàng sau khi hết dịch. Chủ yếu các các hãng hàng không giảm giá còn các điểm du lịch cũng chưa có chính sách hấp dẫn. Do đó, chúng tôi mong các Sở, ngành cũng cần có sự liên kết với nhau nhiều hơn. Đồng thời, có sự tác động tới các sơ sở du lịch khách sạn nhà hàng để hỗ trợ các khu du lịch tốt hơn nữa”..


Minh Anh

Top