Tạo sức bật cho du lịch Thủ đô

14/09/2020 4:40 PM

(Chinhphu.vn) - Sau khoảng lặng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, du lịch Hà Nội cần “bật dậy” mạnh mẽ, thu hút du khách bằng sự đổi mới từ chiều sâu, tăng cường các sản phẩm du lịch và trang hoàng ấn tượng những di tích, điểm đến Thủ đô.

Nỗ lực để đưa du khách trở lại Thủ đô sau khoảng lặng do dịch Covid-19. Ảnh: Thành Nam

Cùng với các địa phương trong cả nước, ngành "công nghiệp không khói" của Thủ đô Hà Nội đang “ngấm đòn” ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khi hàng loạt khách sạn, cơ sở lưu trú và các cửa hàng kinh doanh tại các tuyến phố du lịch đã phải “cửa đóng then cài”, đề biển rao bán hay sang nhượng, cho thuê mặt bằng. Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2020, Hà Nội có khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động, với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm.

Cũng trong tháng 8, do dịch Covid-19 trở lại, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 310 nghìn lượt khách, giảm 70,3% so với tháng 7/2020, giảm 87,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 753 tỷ đồng, giảm 75,3% so với tháng trước và giảm 91,2% so với cùng kỳ năm trước (giảm 7.806 tỷ đồng). 8 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,29 triệu lượt khách, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 22.754 tỷ đồng, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm trước.

Do lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm mạnh nên công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 12.2%, giảm 22% so với tháng 7/2020 và giảm 52% so với cùng kỳ 2019; tính chung 8 tháng công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 29.6%, giảm 40.8% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, tính đến thời điểm này, đã có 33.453 khách hủy tour nội địa với 932 dịch vụ do 38 đơn vị lữ hành của Hà Nội cung cấp; các hoạt động điểm đến giảm mạnh từ 75% đến 80% khách từ khi dịch bùng phát trở lại, chủ yếu phục vụ khách lẻ, không có khách đoàn.

Đơn cử tại Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không khí du lịch những tháng qua rơi vào trạng thái đìu hiu, trầm lắng. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, từ đầu năm, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đón khách tham quan của đơn vị. Trong khoảng cuối tháng 7 đến tháng 8, lượng khách giảm đến 99%, tức là một ngày Văn Miếu – Quốc Tử Giám chưa được 100 khách đến tham quan…

Chủ động giải pháp để phục hồi

Hà Nội là một trong các trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam, nhưng hiện tại điểm đến này cũng đang phải đối diện khó khăn rất lớn từ đại dịch. Trong bối cảnh hiện nay, với diễn biến khó lường của dịch bệnh, Hà Nội phải chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp mới có thể vực dậy được ngành công nghiệp không khói này; đặc biệt là để tránh một sự đổ vỡ đối với lực lượng doanh nghiệp trong ngành.

Ông Lê Xuân Kiêu cho hay, dịch bệnh là bất khả kháng, mặc dù gây ra những khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi nhận thức. Từ đó đòi hỏi mỗi đơn vị phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Thay đổi tư duy phục vụ, ứng xử với khách và thay đổi các hoạt động có tính thiết thực mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Hiện nay, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chủ trương tiếp tục phát triển những sản phẩm lưu niệm chuyên biệt gắn với những giá trị đặc trưng của khu di tích. Mỗi sản phẩm lưu niệm đóng vai trò như một “đại sứ thương hiệu” của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Có thể thấy, nhiều năm qua, Hà Nội đã có sản phẩm du lịch đêm là không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Thời gian gần đây, nhiều đơn vị cũng đã nhận thấy cơ hội, chủ động việc xây dựng sản phẩm du lịch đêm để tạo điểm nhấn. Trước mắt là để phục vụ du khách trong nước, sau đó là sự chuẩn bị sẵn sàng khi Việt Nam đón khách quốc tế trở lại.

Một trong những tour mới được đưa vào khai thác tại Hà Nội vừa qua là sản phẩm du lịch khám phá “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” tại Nhà tù Hỏa Lò. Đây là hoạt động du lịch về đêm đầu tiên tại các di tích của Hà Nội, mở ra khả năng khai thác tiềm năng mô hình này cho nhiều điểm di tích khác. Sau đó là tour “Đêm trước ngày dời đô” của Hanoitourist cũng là điểm nhấn trong “mùa du lịch” của Hà Nội. Ngoài ra không thể không kể đến sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, dự kiến ra mắt vào dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Dựa trên tình hình thực tế hiện tại, khi thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa mở cửa, thị trường nội địa sẽ là điểm tựa, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở sẽ tham mưu, đề xuất Thành phố đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, đặc biệt là điều chỉnh triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa; tăng cường tuyên truyền quảng bá kết nối phát triển du lịch tùy tình hình diễn biến dịch Covid-19; cung cấp thông tin về điểm đến du lịch tại địa phương để hỗ trợ quảng bá kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn.

Cùng với việc phát triển các sản phẩm du lịch về đêm, Sở sẽ tham mưu cho Thành phố lựa chọn và ưu tiên đầu tư để các khu, điểm du lịch trọng điểm sớm trở thành khu, điểm du lịch chất lượng cao nhằm du khách ở lại lâu hơn, chi nhiều tiền hơn; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới, nhất là các sản phẩm thế mạnh, mang bản sắc - đặc trưng Hà Nội; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử trong hoạt động quảng bá, kinh doanh du lịch, tạo đà bứt phá trong tương lai…

Thành Nam

Top