Tạo ‘bứt phá’cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực Thủ đô

14/10/2020 1:07 PM

(Chinhphu.vn) - Sau gần 3 năm triển khai Ðề án “Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025”, những sản phẩm được công nhận ngày càng phát huy vai trò, thúc đẩy công nghiệp Thủ đô tăng trưởng. Tuy nhiên để thật sự “bứt phá” trong giai đoạn tới, doanh nghiệp cần có những bước đi mạnh mẽ hơn để nhóm sản phẩm này thể hiện đúng vai trò “chủ lực”.

Ảnh minh họa

Ông Vương Đình Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, qua 3 năm triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, Thành phố đã có 121 sản phẩm của 80 doanh nghiệp trên địa bàn được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tổng doanh thu các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội ước đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn một tỷ USD. Đây là những sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức mạnh, sức lan tỏa và đóng góp lớn cho nền kinh tế Thủ đô.

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu sẽ có từ 100-120 doanh nghiệp tham gia chương trình, với khoảng 150-180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố. Đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp từ 40%-50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 20%-25% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ và thụ hưởng các chính sách của Thành phố như quảng bá sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị… Mục tiêu sẽ hình thành một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, là đầu tàu dẫn dắt, thúc đẩy công nghiệp Thủ đô phát triển.

Mới đây, chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hà Nội, ngoài những thuận lợi từ việc hỗ trợ chính sách từ Thành phố, các doanh nghiệp cũng nêu nhiều khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó này.

Chủ tịch Hội đồng quản trị khóa Việt Tiệp Lương Văn Thắng cho biết, với tình hình dịch hiện nay, những khó khăn do Covid-19 sẽ còn kéo dài đến năm 2021, nhất là trong hoạt động xuất khẩu. Nhu cầu giảm nên hầu hết các đơn hàng đều hủy bỏ hoặc chậm thanh lý, thiếu đơn hàng mới. Doanh nghiệp đã phải giảm chỉ tiêu tăng trưởng để phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, đại diện Khóa Việt-Tiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn càng cần doanh nghiệp đổi mới, tìm giải pháp vượt khó để tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp trong nước nên sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của nhau để hỗ trợ nhau trong giai đoạn này, đồng thời, tăng cường tìm kiếm thị trường mới, siết lại quy trình sản xuất kinh doanh để tiết kiệm các chi phí không cần thiết…

Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Công ty Cổ phần công nghệ mới Nhật Hải thì kiến nghị, hiện các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ đang gặp khó khăn lớn nhất là vốn vì không thể mang tài sản trí tuệ ra thế chấp ngân hàng. Do đó, mong muốn có các cơ chế tháo gỡ, hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường Dương Thu Phương cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng năm nay của đơn vị đã giảm còn 40% so với năm ngoái, hơn 140 trong tổng số 716 người lao động đã phải nghỉ làm do công ty không đủ việc. Không chỉ chịu sự cắt giảm hợp đồng từ phía các đối tác là doanh nghiệp FDI, đơn vị còn bị cạnh tranh “khốc liệt” về giá với các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực, nên “làm cũng chết mà không làm cũng chết"... Trong tình hình đó, đơn vị rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước, ngân hàng, bảo hiểm… Thực tế là hiện các doanh nghiệp FDI được nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn doanh nghiệp trong nước, nên đơn vị rất mong các chính sách được thực hiện công bằng giữa các doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế Thủ đô vẫn có những khởi sắc. Tổng sản phẩm GRDP tăng 3,5% trong khi nhiều địa phương tăng trưởng âm; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,3% và là một trong hai địa phương của cả nước tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, hiện chỉ số hàng tồn kho đang tăng cao tới 98%. Ngoài ra một số chỉ tiêu lớn về sản xuất công nghiệp vẫn giảm, một số mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng do đứt gãy nguồn cung. Sản xuất không có đầu ra thì rất đáng lo ngại. Năm 2021 dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều nước vẫn đang ở điểm nóng của dịch Covid-19. Do đó, qua ý kiến của các doanh nghiệp, Sở sẽ tham mưu cho Thành phố các giải pháp nhằm tháo gỡ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, Thành phố sẽ tăng cường xét chọn các sản phẩm công nghiệp chủ lực, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư… theo hướng ưu tiên, thuận tiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Thành phố sẽ hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực, năng lực quản trị doanh nghiệp…, nhằm phát triển các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thực sự trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế Thủ đô.

Bích Phương

Top