Tập trung phát triển đàn bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao

14/09/2020 2:01 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay tình hình chăn nuôi bò thịt trên địa bàn Thành phố đang có xu hướng gia tăng do nhu cầu thị trường lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo chiếm 90%, trong đó lai tạo giống bò cao sản chiếm 45%

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng, hiện nay tình hình chăn nuôi trâu bò trên địa bàn Thành phố phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Trong đó đàn bò có xu hướng tăng do giá bán ổn định, nhu cầu thị trường lớn và hiệu quả kinh tế cao. Tổng đàn bò có 130 nghìn con, sản lượng thịt bò hơi ước đạt 5.400 tấn, sản lượng sữa tươi đạt 16,8 nghìn tấn.

Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cái nền đạt 80%, với các giống bò hướng thịt chủ lực là: Sind, Brahman, BBB, Wagyu… Sản lượng sữa đạt 4.900 kg/con/chu kỳ. Một số bò sữa sinh ra từ phân ly giới tính có sản lượng sữa trên 5.500 kg/con/chu kỳ.

Hiện nay, đàn bò thịt, sinh sản của Thành phố tập trung tại 39 xã, vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm. Đồng thời, có 92 trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn ngoài khu dân cư với tổng đàn bò là 2.422 con. Trong đó điển hình có một số hộ chăn nuôi tiêu biểu như hộ ông Vũ Kim Lâm ở Thuần Mỹ- Ba Vì (90 con);  ông Trần Văn Thắng ở Thọ An, Đan Phượng chăn nuôi thường xuyên 120 con, công suất chuồng nuôi 250 con…

Để thúc đẩy chăn nuôi bò phát triển, Thành phố đã triển khai Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu, lai tạo giống bò thịt BBB trên nền bò cái lai Sind tạo thành đàn bò F1 hướng thịt trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đến nay, dự án đã lai tạo và sản xuất được trên 130 nghìn bê lai F1 BBB, mang lại giá trị thu nhập tăng thêm đối với chăn nuôi bò thịt gần 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó Thành phố cũng tập trung đẩy mạnh, khuyến khích phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp về con giống, thức ăn, xử lý môi trường, công nghệ thông tin… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Từ năm 2016 Thành phố đã tập trung xây dựng và phát triển 1 chuỗi thịt bò Hà Nội. Tác nhân chính tham gia chuỗi bò thịt hiện nay là Công ty TNHH Phát triển thương mại Thắng Lợi có quy mô trang trại bò thịt công suất 250 con/lứa, chăn nuôi thường xuyên 120, một cơ sở giết mổ bò bán công nghiệp, giết mổ thường xuyên 5 con bò/ngày, hằng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 1,2 tấn thịt bò bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ vậy người chăn nuôi đã chủ động nguồn cung cấp cho chăn nuôi thương phẩm của Thành phố, tạo nguồn giống có năng suất, chất lượng cao. Công tác lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được triển khai mạnh trên địa bàn Thành phố, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đối với bò thịt đạt trên 80%. Thông qua đó đã hạn chế lây lan dịch bệnh, việc theo dõi, ghi chép trong công tác quản lý giống được chính xác hơn, tránh hiện tượng đồng huyết, cận huyết. Đồng thời dễ dàng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như nâng cao khả năng sinh sản, sử dụng tinh phân ly giới tính trong chọn giống bò sữa.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa tạo được vùng chăn nuôi bò thịt công nghệ cao, nguyên nhân là do Hà Nội sản xuất ra giống bò thịt chất lượng cao nên chủ yếu cung cấp cho tỉnh lân cận. Ngoài ra, do giá thành bê giống cao, bán được giá nên các hộ chăn nuôi bò sinh sản khi sinh ra bê bán ngay cho các tỉnh, dẫn tới thiếu hụt đàn bò cái nền sản xuất ra bò giống thịt chất lượng cao.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Huy Đăng, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ phấn đấu có đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo chiếm 90%, trong đó lai tạo giống bò cao sản chiếm 45%. Đồng thời phát triển chăn nuôi bò theo vùng gồm vùng gò đồi (các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Quốc Oai) tập trung các sản phẩm chăn nuôi chủ lực. Vùng bãi ven sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, sông Đà, sông Tích) tập trung phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại gắn với bảo vệ vành đai xanh của Hà Nội.

Thiện Tâm

Top