Tập trung phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cuối năm

28/11/2019 10:25 AM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) đã được triển khai quyết liệt và dịch bệnh có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hiện nay, diễn biến các dịch bệnh mùa Đông – Xuân được dự báo rất khó lường, điều kiện thời tiết, môi trường khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Theo BS.CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, bệnh SXH xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B-mức độ nguy hiểm trung bình. Trong một cuộc đời mỗi con người, tối đa có thể 4 lần bị mắc SXH. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời vẫn có thể dẫn đến tử vong, nhưng đa số các trường hợp bệnh có diễn biến nhẹ sẽ được điêu trị ngoại trú. Khi phát hiện có người bị mắc bệnh SXH phải được đưa đến các cơ sở y tế để khám và chẩn đoán để đưa ra cách điều trị phù hợp, người dân không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Để chủ động xử lý mầm bệnh gây sốt xuất huyết, Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, công tác kiểm tra, vệ sinh, thau rửa bể thường xuyên là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn muỗi sinh sôi, phát triển. Ở những gia đình có thú "chơi" cây cảnh có chứa nước, đây là môi trường thuận lợi để muỗi truyền sốt xuất huyết đẻ trứng, sinh sản. Vì vậy cần phải tháo nước, thay nước thường xuyên hàng ngày, hàng tuần; cọ rửa kỹ thành, chậu bể, đối với những chậu, bể lớn người dân nên thả cá để góp phần tiêu diệt bọ gậy.

Th.S Hoàng Thế Hùng khuyến cáo, người dân khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nên báo cho trạm y tế phường, xã trên địa bàn để có thể được khám chuẩn đoán, điều trị ban đầu, quyết định hướng xử trí: có thể xét nghiệm xác định bệnh và có phương án khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời như phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành và vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng bệnh cho toàn thể cộng đồng. Đặc biệt, sốt xuất huyết là bệnh do nhiễm virus Dengue nên chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người dân không tự ý điều trị tại nhà bằng các phương pháp truyền miệng như cạo gió, đánh cảm, kiêng tắm hoặc xông lá thuốc...

Là đơn vị rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH, bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa cho biết, nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh SXH, UBND Phường Ô Chợ Dừa phối hợp Trung tâm Y tế quận Đống Đa tổ chức các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng theo kế hoạch hoặc phun đột xuất với các địa bàn có ổ dịch sốt xuất huyết. Ngoài những chiến dịch này, nếu hộ gia đình thấy xuất hiện muỗi hoặc có nhu cầu phun thuốc diệt muỗi thì có thể liên hệ với Trạm Y tế phường, số điện thoại 0243.513.2956 để được tư vấn, hỗ trợ. Từ đầu năm đến nay, UBND Phường đã tổ chức 4 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các tổ dân phố với tổng số 6.179 hộ gia đình, tỷ lệ số hộ được phun khoảng 72%. 

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Đống Đa về công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, sáng thứ bảy hàng tuần, Hội Phụ nữ phường kết hợp với cán bộ cơ sở tổ dân phố phát động các buổi quét dọn đường phố, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, làm sạch môi trường, tránh phát sinh mầm bệnh; nhắc nhở các hộ dân có ý thức đổ rác đúng giờ quy định, không vứt rác thải ra đường...

Trước tình trạng có người lợi dụng hình ảnh nhân viên phun thuốc muỗi đi lừa đảo, bà Trần Thị Bích Thái cảnh báo người dân, khi tổ chức phun hóa chất, UBND Phường sẽ tổ chức các hoạt động thông tin trên loa truyền thanh, họp với các tổ trưởng dân phố để thông tin tới các hộ gia đình, gửi tờ thông báo phát tới từng hộ gia đình, nêu rõ thời gian tổ chức chiến dịch, các nội dung hướng dẫn gia đình cần chuẩn bị trước khi phun... Việc phun hóa chất diệt muỗi do Phường tổ chức hoàn toàn miễn phí. Vì vậy, người dân cần cảnh giác khi có người đến yêu cầu phun thuốc muỗi, thu tiền mà hộ gia đình không nhận được thông báo của UBND Phường. Trong trường hợp như vậy, nhân dân cần thông tin ngay cho Công an phường, UBND phường, Trạm Y tế phường để chính quyền có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với những hộ gia đình không hợp tác, bà Trần Thị Bích Thái cho biết, UBND đã có những biện pháp linh hoạt để tuyên truyền, vận động tham gia hưởng ứng các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Cụ thể, thông qua loa truyền thanh, loa di động, qua các buổi truyền thông tại các khu dân cư, tổ dân phố, phát tờ rơi tuyên truyền để vận động nhân dân tham gia công tác phòng chống dịch. Công tác phòng chống dịch cũng là một trong những nội dung mà các Chi bộ Đảng khu dân cư đưa vào các cuộc họp để quán triệt đến các Đảng viên nhằm nâng cao ý thức của Đảng viên, cũng như quần chúng nhân dân trong công tác phòng chống dịch. 

Với những hộ dân vẫn kiên quyết không hợp tác, Y tế phường sẽ kết hợp cùng cán bộ tổ dân phố để xác minh rõ lý do, yêu cầu xuất trình bằng chứng nếu gia đình khẳng định đã tự phun hóa chất diệt muỗi. UBND Phường cũng kiên quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, tổ chức không hợp tác trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh được quy định tại Nghị định 176/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác tuyên truyền phòng chống SXH trong cộng đồng rất cư là rất quan trọng. Hiện nay công tác tuyên truyền phòng chống SXH đã được triển khai rộng khắp từ tuyến thành phố tới các cơ sở và các hộ gia đình. Trong đó, vai trò của các chủ hộ gia đình trong công tác phòng chống SXH là rất quan trọng, bởi lẽ lực lượng cán bộ y tế có hạn, dân số đông, số hộ gia đình lớn. Nên nếu chỉ dựa vào lực lượng cán bộ y tế sẽ không đủ khả năng truyền tải các thông tin tuyên truyền về bệnh. Vì vậy, rất cần có sự tham gia vào cuộc của người dân cũng như toàn cộng đồng.

Cùng với công tác phòng chống dịch bệnh SXH, trong thời tiết giao mùa hiện nay những đối tượng người già, trẻ em là những đối tượng chậm đáp ứng với sự thay đổi của thời tiết, chính vì vậy, khi không có sự bảo vệ sức khỏe tốt thì dễ bị nhiễm bệnh do yếu tố của thời tiết. Ví dụ như cảm lạnh, cảm cúm... Để phòng những bệnh do thời tiết giao mùa BSCKII Khổng Minh Tuấn lưu ý người dân phải tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như mặc áo ấm khi ra ngoài, và tránh đến những nơi tụ tập đông người là những nơi dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. 

Đặc biệt, từ đầu tháng 10/2019 Sở Y Tế đã có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế trong ngành tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh mùa Đông Xuân. Cụ thể, với tất cả các bệnh có vắc xin phòng bệnh như bệnh cúm mùa sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân tiêm vắc xin phòng bệnh. Các trạm y tế cơ sở hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân như mặc quần áo ấm, sử dụng khẩu trang khi ra ngoài đường vào những ngày thời tiết lạnh cũng như tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng.

Thiện Tâm

 

Top