Tập trung xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả

16/07/2019 3:37 PM

(Chinhphu.vn) - Thành phố Hà Nội đã cơ bản sắp xếp, tinh gọn xong toàn bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố, được Trung ương và dư luận đánh giá cao.

Đầu cầu TP. Hà Nội tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Nội vụ Ảnh: Minh Anh

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa thông tin như trên tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Nội vụ cả nước tổ chức sáng nay (16/7).

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh phương châm hành động của năm là: “Hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ cương, tăng cường truyền thông, đẩy mạnh công nghệ”. Ngay từ đầu năm, với quyết tâm chính trị cao, toàn ngành đã chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong 6 tháng đầu năm 2019 và đạt được những kết quả quan trọng.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 Sở và tương đương, sau sắp xếp giảm 1 cơ quan hành chính ngang Sở (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng), giảm 49 phòng (từ 208 phòng xuống 159 phòng), giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng.

Thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; kiện toàn, sắp xếp 102 Ban chỉ đạo thuộc UBND Thành phố còn 28 Ban chỉ đạo, giảm 74 ban (72,5%). 

Cùng với việc sắp xếp các cơ quan hành chính, UBND TP. Hà Nội đã sắp xếp các đơn vị sự nghiệp tinh gọn, hiệu quả, theo đó: các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%). Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị, giảm 110 đơn vị (53,4%). Thành phố đang hoàn thành Đề án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Tổ chức Trung tâm Điều hành thông minh Thành phố, thí điểm Văn phòng tư vấn dịch vụ hành chính công quận Long Biên…

Những năm qua Hà Nội đã bắt tay vào xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Sở Nội vụ Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành quan tâm, cho phép Hà Nội được thực hiện phân cấp tại 35 vấn đề thuộc 11 nhóm lĩnh vực như đã đề xuất tại Đề án và đã được Bộ Chính trị thông qua chủ trương tại Kết luận số 46-KL/TW.

Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương nghiên cứu việc cắt giảm biên chế hành chính cơ học hàng năm hoặc có cơ chế cho địa phương dùng nguồn thu tăng thêm để sử dụng công chức hợp đồng có thời hạn đối với một số vị trí để đáp ứng ngay yêu cầu của hoạt động công vụ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp thu 16 lượt ý kiến của các địa phương, các bộ, ngành phản ánh, cam kết sẽ có trả lời bằng văn bản trong thời gian tới. Lãnh đạo ngành Nội vụ thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác xây dựng thể chế, chính sách chậm so với quy định, vẫn còn tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình, chất lượng chưa cao.

Việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số địa phương thực hiện thí điểm và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập chưa được hướng dẫn cụ thể, kịp thời; công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân.

Một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vẫn còn có những biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu; công tác tham mưu, nắm tình hình, xử lý thông tin chưa chủ động, kịp thời; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, chữ ký số và phát hành văn bản điện tử... chưa thực sự đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Xác định phương hướng, nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm, đồng chí Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh cần tập trung quyết liệt chỉ đạo công tác xây dựng thể chế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ theo kế hoạch; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những sai phạm trong thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Ngành cũng cần tập trung tham mưu cho cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; tham mưu cấp có thẩm quyền phân định địa giới hành chính các tỉnh, thành phố có sự chồng lấn do lịch sử để lại; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại, tạo thuận tiện cho người dân và tổ chức… 

Theo báo cáo của 61 địa phương, đến nay có 20/713 huyện và 623/11.162 xã thuộc diện phải sắp xếp theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, toàn ngành Nội vụ đang tập trung tham mưu thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm kịp tổ chức đại hội Đảng ở cấp huyện, cấp xã trong năm 2020.

Về tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến 30/6/2019, ngành Nội vụ đã thẩm tra và quyết định tinh giản được 41.515 biên chế. Tính đến tháng 6/2019, biên chế khối cơ quan Chính phủ quản lý đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015.

Minh Anh

Top