Tập trung xây dựng nhiều sản phẩm, chương trình du lịch đặc trưng, độc đáo

05/01/2018 5:52 PM

(Chinhphu.vn)-Tiếp tục thực hiện các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, ngành du lịch Thủ đô sẽ chú trọng việc kêu gọi đầu tư cho một số dự án du lịch trọng điểm, xúc tiến quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch theo chuyên đề.

Hoàng Thành Thăng Long, một trong các điểm du lịch chuyên đề của Thủ đô Hà Nội- Ảnh: Quốc Lộc

Đánh giá, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch theo các Nghị quyết của Trung ương và Thành ủy Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong năm 2017, ngành du lịch Thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Hoạt động du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển; công tác quản lý hoạt động du lịch được tăng cường; công tác quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch được tập trung; hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Hà Nội được bổ sung từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hoá, đa dạng hoá các hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển du lịch. Hoạt động kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi.

Mặc dù có khó khăn, du lịch Thủ đô chủ động triển khai các giải pháp để giữ vững vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trên thế giới. Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch đều đạt cao hơn so với cùng kỳ và đạt tỷ lệ cao với kế hoạch năm.

Xây dựng, nâng cấp chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, du lịch Thủ đô đang trên đà phát triển. Năm 2016, Hà Nội đạt mốc 4 triệu lượt khách quốc tế, và trong năm 2017, con số này đã lên đến 5 triệu.

Nhìn lại năm 2017 với nhiều thuận lợi cùng khó khăn, ngành du lịch Hà Nội đã đạt được tăng trưởng khá nhờ bám sát các chủ trương định hướng đề ra, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt tích cực quảng bá tuyền truyền và xây dựng sản phẩm du lịch Thủ đô.

Năm 2017, Hà Nội tập trung đôn đốc tiến độ các dự án, sản phẩm du lịch tiêu biểu như Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy đạt tiêu chuẩn quốc tế; dự án xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh; Quy hoạch trục Nội Bài-Nhật Tân với khu công viên, vui chơi giải trí, hồ điều hòa; Khu công viên thể thao thuộc dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu, Quốc Oai. Đầu tư xây dựng 20 khách sạn cao cấp 4-5 sao.

Kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực Hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân-Nội Bài, khu du lịch quốc gia Ba Vì-Suối Hai. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố chủ động trang trí, xây dựng, cải tạo cảnh quan trụ sở, nhà ở, nhà hàng, cửa hiệu, đường phố… thành vườn hoa, tiểu cảnh đặc sắc để khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch đến năm 2020 và những năm tiếp theo, cho từng thị trường khách nội địa và quốc tế.

Đến nay đã xây dựng được các tour du lịch trong nội thành với các huyện ngoại thành Hà Nội; các tour du lịch đưa khách quốc tế và trong nước từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong cả nước có tiềm năng du lịch và ngược lại đón khách về Hà Nội. Tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo, riêng có của du lịch Hà Nội để quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Nội theo chuyên đề.

Tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ẩm thực đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch mua sắm, ẩm thực trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017, qua đó xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Hà Nội với các giá trị và sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, có chất lượng, có sức cạnh tranh, gắn với thị trường cụ thể. Danh sách các điểm mua sắm, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở ẩm thực đạt tiêu chuẩn cũng đã được cập nhật lên bản đồ mua sắm Thành phố để phục vụ khách du lịch tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, du lịch, giải trí trên địa bàn thành phố.

Đồng thời phối hợp và hỗ trợ với các quận huyện, thị xã tổ chức các chương trình quảng bá du lịch tại chỗ.

Sở cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn thành phố năm 2017, tập trung vào các lớp bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra du lịch; bồi dưỡng lĩnh vực lữ hành, vận chuyển; bồi dưỡng cho nhân lực trong các cơ sở lưu trú; bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh du lịch cho cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch; bồi dưỡng công tác xây dựng sản phẩm du lịch cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước; kiến thức và kỹ năng thuyết minh cho thuyết minh viên tại điểm; bồi dưỡng về ngoại ngữ hiếm cho hướng dẫn viên du lịch; bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân lực tại các trung tâm, cửa hàng mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...

Tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra đối với ngành du lịch Hầ Nội. Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong năm 2018, ngành du lịch phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2018 tổng khách đến Hà Nội đạt 25,4 triệu lượt khách, tăng 7 % so với dự kiến năm 2017, trong đó khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 5,5 triệu lượt khách, tăng 11% so với dự kiến năm 2017.

Để đạt được những mục tiêu này, năm nay Hà Nội sẽ tiếp tục thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Nội theo chuyên đề Bảo tàng (Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ, Nhà hát Lớn Hà Nội...) gắn với sản phẩm du lịch phố cổ, phố cũ, Hồ Hoàn Kiếm, gắn với khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xây dựng sản phẩm du lịch dọc vành đai sông Hồng, sông Đuống và sông Đáy tại Hà Nội và nối đi các tỉnh. Sản phẩm du lịch đặc trưng ở Cổ Đô, Ba Vì; Vân Từ, Phú Xuyên; Vạn Phúc, Hà Đông; Bát Tràng, Gia Lâm; làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây; Hoàng Thành Thăng Long; phố cổ, phố cũ, phố đi bộ Hoàn Kiếm...

Phát triển du lịch Hà Nội là gắn liền với văn hóa, ngành du lịch Hà Nội cho biết sẽ hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật Trung ương và Thành phố xây dựng một số điểm cố định biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại số 15 Nguyễn Đình Chiểu-Hai Bà Trưng, Hoàng Thành-Thăng Long, Khu vực phố cổ, Khu vực Hồ Tây, Làng nghề Lụa Hà Đông, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Bát Tràng...

Trong năm nay, Hà Nội tiếp tục kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực Hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân-Nội Bài, khu du lịch quốc gia Ba Vì-Suối Hai…

Đồng thời cũng sẽ phối hợp với các quận huyện, thị xã tổ chức các chương trình quảng bá du lịch tại chỗ. Nâng cấp một số tuyến, điểm du lịch hiện có tại các quận, huyện, thị xã để kết nối với doanh nghiệp du lịch đưa khách đến tham quan, trải nghiệm. Hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch ở Cổ Đô, Ba Vì; Lễ hội làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên; Khai mạc mùa du lịch hè Ba Vì; Lễ hội Hai Bà Trưng huyện Mê Linh... Tiếp tục thực hiện chuẩn hóa các bài thuyết minh tại các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố tiến tới tuyên truyền, phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Tổ chức triển khai thực hiện nội dung đề án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc.

Minh Anh

Top