Tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị

15/07/2016 10:00 AM

(Chinhphu.vn) – TP. Hà Nội hiện đang quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, đặc biệt là về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật; kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống.

Ảnh minh họa

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2016,  nổi bật trong các lĩnh vực của ngành là công tác xây dựng các mô hình văn hoá, xây dựng gia đình văn hoá, bảo tồn phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hoá; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…

Trong đó, dự án “Hà Nội đẹp và chưa đẹp” tiếp tục triển khai hiệu quả. Dự án ra đời nhằm xây dựng lối sống, tư duy sống văn minh, thanh lịch cho người Hà Nội thông qua việc tác động đến đời sống tinh thần, các hành vi ứng xử hàng ngày của mỗi người đang sống và làm việc tại Hà Nội. Trong những tháng đầu năm, website “Hanoidep.vn” tiếp tục nhận được hàng nghìn hình ảnh về văn hóa ứng xử của người dân dựa trên 5 chủ đề xuyên suốt: ăn uống, mặc, đi lại, nói năng, vui chơi – giải trí…

Chuyên mục “Địa chỉ Hà Nội” nhằm tuyên truyền, quảng bá cho hệ thống các địa điểm đã ký cam kết ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng trên toàn Thành phố. Đây là nơi tập hợp của rất nhiều các địa chỉ ăn uống tại Hà Nội. Những cơ sở nhà hàng, địa chỉ ẩm thực tại Hà Nội không chỉ giới thiệu những món ăn, thức uống ngon, bổ, rẻ, mới lạ để du khách và người dân Thủ đô lựa chọn. Đây là một trong những địa chỉ để cộng đồng cùng nhau thực hành những hành vi ứng xử đẹp, được phục vụ một cách thân thiện và văn minh.

Theo ông Tô Văn Động, công tác tổ chức quản lý lễ hội, di tích trên địa bàn Thành phố đã có sự phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành và UBND quận, huyện, thị xã. Một số điểm nóng về lễ hội như: Lễ hội Gióng, Lễ hội chùa Hương... đã diễn ra nền nếp, trật tự, an toàn, không xảy ra vi phạm lớn, cơ bản khắc phục được những hạn chế của những năm trước.

Các di tích, danh thắng do Sở trực tiếp quản lý đã đón tiếp, phục vụ ước gần 1.290.000 lượt khách trong nước và quốc tế với doanh thu đạt khoảng 38,4 tỷ đồng.

Trong những tháng đầu năm ngành VH&TT nhận định, vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư cho văn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra. Sự phát triển văn hóa là nhiệm vụ đòi hỏi sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người dân còn thờ ơ; quản lý có nơi còn buông lỏng; nguồn lực đầu tư cho các hoạt động văn hóa chưa tương xứng với vị trí và vai trò của của ngành…

TP. Hà Nội hiện đang quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, đặc biệt là về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật; kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của nếp sống công nghiệp, hiện đại; xây dựng phong cách ứng xử, giao tiếp có văn hóa nơi công sở, trong cộng đồng, trên đường phố và các hoạt động tổ chức lễ hội.

 

Theo ông Tô Văn Động, Sở Văn hoá và Thể thao đang tích cực hoàn thiện “Bộ quy tắc ứng xử người Hà Nội” trên tinh thần đi dần dần vào những quy tắc ứng xử của từng bộ phận nhỏ trong đời sống xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để định hướng xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.

Sở cũng xác định, nhiệm vụ trọng tâm xây dựng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được trông đợi khi Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, được coi là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

 

Trong đó, Tích cực triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, trước hết là áp dụng quy tắc ứng xử văn hóa trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố. Rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy trình bình xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Làng văn hóa, Cơ quan văn hóa đảm bảo thực chất, không hình thức.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hiện đang tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các tiêu chí đánh giá “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” tại 30 quận, huyện, thị xã để nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Để tạo bước đà trong những tháng cuối năm, ngành Văn hoá và Thể thao tiếp tục triển khai sâu rộng nội dung Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” cùng các đề án, dự án trong Kế hoạch của Thành phố.

 Gia Huy

Top