Tết Trung thu – Nét đẹp truyền thống của người Việt

18/08/2016 9:45 AM

“Đến mùa trăng sáng chẳng quên Trung thu là lúc về bên gia đình…” Với mỗi người Việt, Tết Trung thu là lễ hội lớn thứ hai trong năm. Nếu Tết Nguyên Đán làm người Việt nhớ đến bánh chưng, bánh dày thì Tết Trung thu, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo ngọt ngào lại không thể thiếu trong mâm cỗ cổ truyền.

Ảnh minh họa

Một mùa Trung thu nữa sắp tới, đây là dịp để mọi người hồi nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào cùng gia đình khi cả nhà cùng sum vầy bên mâm cỗ với ấm trà xanh, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo và đêm trăng sáng vui chơi ca hát rước đèn cùng bạn bè trong xóm. Nhớ lại những lúc còn trẻ thơ, chị Thu Trang (39 tuổi, sống ở quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Thủa nhỏ, trước rằm Trung Thu khoảng một tháng là lũ trẻ con trong thôn mình đã hào hứng chuẩn bị làm đèn lồng, đến đúng đêm rằm, lũ trẻ í ới gọi nhau rước đèn đi chơi, cùng nhau múa lân, tiếng trống gõ rộn ràng hòa với bài hát“Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh, em rước đèn mừng đón chị Hằng...”. Trung Thu khi đó giản dị lắm nhưng luôn sáng bừng nụ cười rất trẻ con hồn nhiên”.

“Trung thu là những đêm trăng, gia đình quây quần bên khay trà, thưởng thức hương vị bánh nướng, bánh dẻo. Vừa ngắm trăng, trẻ vừa được bà, được mẹ kể về sự tích “chú Cuội’ trên cung trăng, rồi “chị Hằng Nga”, nhiều trẻ đã thuộc làu làu câu chuyện đó. Sau khi phá cỗ, chơi trò chơi, mỗi đứa trẻ sẽ được phát cho một góc bánh Trung thu rất ngon và rất ngọt ngào, cảm giác đó đến giờ mình vẫn không có thể nào quên”, chị Trang bồi hồi kể lại.

Ngày nay, khi cuộc sống ngày một hiện đại, công việc bộn bề, Tết Trung thu vì thế cũng mất đi phần nhiều niềm vui và ý nghĩa của nó bởi thiếu đi những nụ cười hồn nhiên thoải mái, những ánh nến lung linh, những trò chơi mệt nhoài mà rất vui của lũ trẻ. Cái cảm giác cả gia đình quây quần bên nhau có vẻ thưa dần, tết Trung thu nay với người lớn là những kỷ niệm, hồi tưởng về thời ấu thơ.

Bác Minh Phú, 50 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: "Vào đêm Trung thu xưa, cả gia đình tôi thường ngồi ngoài sân, ngắm trăng rồi nhìn lũ trẻ vui đùa. Nhưng giờ bọn trẻ đã lớn, đứa đi làm, đứa đi học, nên không còn nghe tiếng lũ trẻ ca hát rước đèn như xưa nữa”.

Dịp gắn kết tình thân

Xét ở góc độ văn hóa, Trung thu là dịp mang nhiều ý nghĩa với người Việt, là ngày trẻ nhỏ vui vầy “trông trăng, phá cỗ”, mọi người hội ngộ, chia sẻ cùng gia đình người thân, và đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tri ân tới khách hàng của mình.

Với mong muốn mang lại mùa Trung Thu ấm áp, trọn vẹn, đầy tình thương yêu cho người dân, mùa trăng tròn năm nay, các thương hiệu bánh lớn như Bibica, Kinh Đô, Hữu Nghị,... tiếp tục mang đến cho mọi nhà món quà ý nghĩa để cùng “giữ nét văn hoá truyền thống, sống trọn phút giây hiện đại”.

Cho dù xã hội có phát triển và hiện đại tới đâu thì những giá trị truyền thống vẫn cần được bảo tồn và lưu giữ cho những thế hệ sau. Chính vì thế, những chiếc bánh trung thu Hữu Nghị thường sử dụng các nguyên liệu truyền thống có nguồn gốc tự nhiên, đặc trưng cho những sản vật của Hà Nội như: bột nếp cái hoa vàng, hạt sen Quảng Bá, quất Nghi Tàm, hoa bưởi Diễn … kết hợp cùng dây chuyền, thiết bị sản xuất hiện đại đã cho ra đời những chiếc bánh không chỉ thơm ngon mà còn giữ nguyên được mùi vị đặc trưng của các nguyên liệu.

Mùa Trung thu năm nay, Mondelez Kinh Đô tiếp tục đa dạng các dòng sản phẩm bánh Trung thu phục vụ người tiêu dùng với những dòng sản phẩm Trung thu chất lượng tuyệt hảo dành cho mọi đối tượng: từ trẻ em đến người lớn, từ gia đình đến doanh nghiệp, từ quà biếu thân tình đến những hộp quà cao cấp…

Theo các chuyên gia văn hóa, việc bày tỏ tình cảm thông qua món quà Trung thu chính là nét đẹp truyền thống cần được phát huy. Bởi không chỉ mang ý nghĩa tết dành cho trẻ em, Trung thu còn là dịp để gắn kết các mối quan hệ trong gia đình, gắn kết tình thân của con người lại với nhau.

Diệu Anh

Top