Thân thiện môi trường để phát triển bền vững

24/11/2017 7:02 PM

(Chinhphu.vn)-Khái niệm “Phát triển bền vững” xuất hiện từ năm 1980, tuy nhiên tới nay, đây vẫn là khái niệm xa lạ với đại đa số người dân Việt Nam. Trong khi người dân vẫn giữ thói quen tận thu tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đời sống và nền sản xuất trong nước,thì đã có những doanh nghiệp đi đầu tìm ra giải pháp sản xuất thân thiện môi trường để tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài cho người lao động.

Hệ thống lọc nước hiện đại, bảo đảm an toàn cho môi trường-Ảnh: Phương Duy

Cách đây khoảng 2 năm, khi người dân tại hầu hết tại các huyện miền núi khó khăn thường không có loại cây trồng ổn định, họ thường trồng cây theo vụ mùa, hay vào rừng tận thu những loài cây dược liệu quý mà thương lái đặt hàng. Công việc này khiến thu nhập của người dân bấp bênh, không ổn định, chứa nhiều rủi ro… Những loại cây mà thương lái thu mua đều là các loại cây không chỉ có vai trò che phủ nền rừng, chống xói mòn đất mà còn có giá trị dược liệu cao, cần được bảo tồn bền vững.

Bên cạnh đó, sự hạn chế trong công tác quy hoạch và liên kết từ trồng trọt đến phân phối, tiêu thụ, chế biến nông lâm sản nói chung, cây dược liệu nói riêng, thực tế này đã dẫn tới hậu quả là 600 cây thuốc quý của nước ta đứng bên bờ tuyệt chủng và chúng ta phải nhập khẩu tới 70% dược liệu từ Trung Quốc.

Trước thực trạng này đã thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phải tìm một hướng đi bền vững, vừa bảo đảm đời sống cho người dân trồng trọt, vừa xây dựng được vùng nguyên liệu chuyên biệt. Doanh nghiệp Traphaco đã có những thành công bước đầu, không chỉ giúp bảo vệ hiệu quả tài nguyên dược liệu mà còn trở thành nhà sản xuất Đông Nam dược hàng đầu hiện nay.

Từ con đường sức khỏe “xanh”

Tháng 8/2009, Dự án Green Plan của Traphaco khởi động tại Sapa, với cây trồng chủ lực đầu tiên là cây actiso và mục tiêu ban đầu là tạo nguồn nguyên liệu xanh, thoát khỏi cảnh phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Tại thời điểm đó, Traphaco xác định không thể có ngay diện tích trồng lớn, nhưng về chất lượng, mỗi lứa actiso phấn đầu đều phải đạt tiêu chuẩn GACP (đây là tiêu chuẩn thực hành tốt trong trồng trọt và thu hái cây thuốc) của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) xác nhận. Doanh nghiệp này đã thực hiện các quy trình trồng và thu hái dược liệu đều bảo đảm thân thiện với môi trường như sử dụng đất hiếm để hạn chế sử dụng phân bón vô cơ; luân canh để hạn chế sử dụng hóa chất - thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng nguồn nước sạch và điều kiện tưới tiêu tốt để bảo đảm cung cấp nguồn dược liệu an toàn.

Hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại-Ảnh: Phương Duy

Cùng với việc triển khai mô hình hợp tác 4 nhà (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp), dự án của Traphaco đã phát triển thành công chuỗi giá trị xanh từ nguyên liệu - công nghệ - sản phẩm - dịch vụ phân phối. Nhờ đó, nhân giống và bảo tồn thành công nhiều cây thuốc quý, cân bằng cán cân cung-cầu dược liệu mà không gây tác động xấu tới môi trường bản địa, đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn người nông dân.

Cụ thể, tại Sapa, từ chỗ “chỉ còn vài cây actiso cuối cùng” vào năm 1998, tới nay đã có vườn Actiso trải rộng trên 70 ha, bên cạnh đó là các vườn Đương quy, Bạch truật, Giảo cổ lam, Chè dây… phủ xanh các xã Sa Phả, Tà Phìn, giúp nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số “đổi đời”.

Tính trên quy mô cả nước, Dự án Green Plan đã có mặt tại 26 tỉnh thành phố, hợp đồng liên kết chặt chẽ cùng 500 hộ dân với 175 ha vùng dược liệu được trồng và kiểm soát chặt chẽ theo GACP-WHO, 800 ha vùng dược liệu được thu hái tự nhiên đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, tạo ra thu nhập ổn định lên tới 600-750 triệu đồng đồng/ha/năm/hộ.

Phát triển bền vững, gắn chặt với bảo vệ môi trường

Khi đạt được vị trí vững chắc trong top 10 doanh nghiệp dược lớn nhất cả nước hiện nay, Traphaco có bước tiến táo bạo khi chi tới 477 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy tân dược có diện tích lên tới 46.288 m2 tại Hưng Yên.

Người trồng trọt đem lại năng suất cao, có thu nhập ổn định-Ảnh: Phương Duy

Nếu như sự xuất hiện của các nhà máy thường kéo theo nhiều lo ngại về các yếu tố môi trường như khí thải, nước thải…thì nhà máy Traphaco Hưng Yên được coi là điểm sáng “Dược phẩm xanh”, nhờ sở hữu hệ thống xử lý chất thải được kiểm soát tự động, đảm bảo đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường tốt nhất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Anh Nguyễn Bảo Huấn, Trưởng phòng quản lý thiết bị và cơ sở hạ tầng cho biết: “Chúng tôi sử dụng hệ thống nước RO đạt tiêu chuẩn USB 38-tiêu chuẩn FDI dược điển của Hoa Kỳ. Do đó, hiệu suất lọc nước đạt tới 75% - cao hơn mức 60% - mức trung bình của các nhà máy khác tại Việt Nam”.

Đặc biệt, tiếp nối tinh thần “Con đường sức khỏe xanh” mà doanh nghiệp đã đề ra từ năm 2013, những công nghệ mà nhà máy này sử dụng không chỉ thân thiện với môi trường tự nhiên, mà còn đảm bảo thân thiện với con người.

Theo đó, nguyên tắc “No touch, No dust” trong sản xuất (không tiếp xúc, không sinh bụi), cho phép người công nhân không bị phơi nhiễm hàng trăm loại hoạt chất trong quá trình sản xuất thuốc. Như vậy, nhà máy vừa bảo đảm về mặt chất lượng của sản phẩm, vừa bảo đảm điều kiện lao động cho người công nhân.

Có thể nói, sự thành công từ chiến lược Con đường sức khỏe xanh của doanh nghiệp đã chứng minh cho thực tế là “mối quan hệ giữa con người và môi trường vốn không thể tách rời. Sự phát triển dựa trên nền tảng thân thiện với môi trường mới là sự phát triển bền vững nhất”.

Phương Duy

Top