Thành phố thông minh là biết tận dụng công nghệ mới và số hóa

18/09/2018 3:19 PM

(Chinhphu.vn) - Thành phố thông minh là thành phố biết tận dụng công nghệ mới và số hóa để có thể đơn giản hóa quy trình, mang lại chất lượng cao nhất cho người dân và môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp.

Ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO). Ảnh: Bích Phương

Tại Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh ASOCIO 2018-Hà Nội, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) dẫn một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, dự kiến đến năm 2050 thế giới sẽ có 2/3 dân số sống ở các đô thị, trong đó châu Á và châu Phi được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất. Dự kiến, số dân sống ở đô thị sẽ tăng từ 53% hiện nay lên sau 64% trong quá trình ô thị hóa.

Điều đó đồng nghĩa với các vấn đề như: Già hóa dân số, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, đến quá trình kinh doanh của con người...

ASOCIO cũng từng đề cập về xu hướng xây dựng Thành phố thông minh là chủ đạo trong trong quá trình chuyển đổi số ở châu Á. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề giữa các thành phố này phải kết nối với nhau để thông minh hơn. Thành phố thông minh không chỉ kết nối với nhau về mặt số mà còn để giải quyết được những vấn đề như đã nêu.

Ông David Wong bày tỏ đồng tình với Hà Nội đặt ra kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh làm 3 giai đoạn (đến năm 2030) trong đó tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: Y tế, giao thông, du lịch - các vấn đề mà khi xây dựng Thành phố thông minh được đặt ra. Ông David Wong mong muốn hỗ trợ các đô thị như Hà Nội xây dựng Thành phố thông minh.

Bà Yvonne Chiu, Chủ tịch Liên minh CNTT thế giới (WITSA) cho biết, sẽ đáp ứng mục tiêu cho mọi người trên thế giới đều được hưởng lợi từ CNTT truyền thông, đặc biệt tại khu vực có nhiều thay đổi như châu Á-Thái Bình Dương, vì một tương lai kỹ thuật số ở đây.

“Chúng tôi bảo đảm chuyển đổi kỹ thuật số, mang lại lợi ích cho các thành phố, mang lại sự an ninh, an toàn hơn cho các thành phố khi xây dựng Thành phố thông minh", bà Yvonne Chiu khẳng định.

Ông Jay Jenkins, Trưởng bộ phận Công nghệ Google Cloud Đông Nam Á phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bích Phương

Ông Jay Jenkins, Trưởng bộ phận Công nghệ Google Cloud Đông Nam Á nhấn mạnh, Hà Nội gần như là một Thành phố thông minh. Thực tế Google đã đầu tư hạ tầng thông minh ở Hà Nội gần 10 năm. Mỗi ngày, hàng triệu người Hà Nội đều đóng góp vào bộ dữ liệu ở Google Maps về đường phố và giao thông. Những dữ liệu này được xử lý tại Trung tâm dữ liệu của Google và hữu ích với hàng trăm nghìn người sử dụng điện thoại thông minh (Smartphone).

Bên cạnh đó, Google cũng có bộ dữ liệu xử lý về những địa điểm tại Việt Nam với hàng trăm nghìn địa chỉ được thống kê trên Google Maps và Google My Business – từ địa chỉ, giờ mở cửa cho tới phản hồi. “Như vậy, có rất nhiều yếu tố cơ sở hạ tầng thành phố thông minh đã có sẵn và Hà Nội có thể tận dụng những điều đó”, ông Jay Kenkins nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Thành phố thông minh từ các nước

Chia sẻ với phóng viên, ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết về kinh nghiệm xây dựng Thành phố thông minh tại Thụy Điển. Trong đó, ông nhấn mạnh việc Thành phố phải tạo ra môi trường để cho người dân thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo của mình. Ông chia sẻ Thành phố thông minh phải có sự đổi mới, cởi mở, cầu thị và Thụy Điển là nơi có nhiều sáng tạo, đổi mới.

Ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Ảnh: Bích Phương

Chẳng hạn, tại Thụy Điển có giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực giao thông công cộng, làm thế nào để hạn chế tối đa những phương tiện cá nhân trên đường phố? Đó là cần đánh thuế cao xe tư đi vào các phố cổ; khuyến khích kết hợp đưa ra ứng dụng xe buýt vừa chạy trên mặt đất vừa chạy trên nước; kết nối tốt các phương tiện công cộng như tàu trên cao, tàu điện ngầm; chia sẻ chuyến đi giữa các xe tư để hạn chế tối đa phương tiện tham gia giao thông.

Kinh nghiệm Thụy Điển cũng cho thấy sự phối kết hợp công-tư là rất quan trong như giữa nhà nước, khối tư nhân và các trường đại học. Điều này sẽ giúp các ý tưởng mới qua sàng lọc để ra thị trường. Chính phủ Thụy Điển đầu tư lớn (4% GDP) cho lĩnh vực phát triển, giúp thành phố, chính quyền cấp vùng đăng ký xin ngân quỹ hỗ trợ từ chính phủ, doanh nghiệp tư nhân cũng có thể đăng ký quỹ này để tận dụng tối đa vận dụng quỹ để biến thách thức thành giải pháp, như thế sẽ tạo ra dòng lợi nhuận tốt nhất cho doanh nghiệp.

Ông Pereric Hogber cũng cho biết, Thụy Điển là quốc gia tạo ra môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho các doanh nghiệp, số doanh nghiệp kỳ lân của Thụy Điển chỉ sau Thung lũng Silicon của Mỹ. “Thành phố thông minh là Thành phố biết tận dụng công nghệ mới và số hóa để có thể đơn giản hóa quy trình, mang lại chất lượng cao nhất cho người dân và môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp”, ông Pereric Hogber nhấn mạnh.

Ông Rechard Ker, Trưởng nhóm sáng tạo và Thương mại hóa, Cyberview (Malaysia) cho biết: Malaysia ưu tiên xây dựng một cộng đồng thông minh. Khi xây dựng một giải pháp cho Thành phố thông minh thì phải tư duy như một doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, trao đổi với người dân xem họ gặp những vấn đề gì trong cuộc sống để từ đó có các giải pháp hữu hiệu xây dựng Thành phố thông minh.

“Chẳng hạn như làm thế nào để mọi người đến làm việc ở Cyberview? Chúng tôi đã tạo ra hệ thống dịch vụ giao thông chuyên biệt, giúp người dân đặt vé trực tuyến vào bất kỳ thời gian nào họ muốn đi, xe buýt đón ở 7 điểm ở Kualalumper đưa đến Cyberview,…”, ông Rechard Ker nói.

Cùng với đó, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, hình thành một cộng đồng thông minh là lựa chọn ưu tiên trong các giải pháp để xây dựng Thành phố thông minh.

Bích Phương

Top