Thanh toán bệnh lao: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

23/03/2016 9:42 AM

(Chinhphu.vn)- Hiện nay, bệnh lao ở nước ta vẫn còn là một gánh nặng khi đứng thứ 14 trong số 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên thế giới. Vì vậy, để hướng tới thanh toán bệnh lao, ngành y tế Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống bệnh lao, nhằm tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam.

Chăm sóc bệnh nhân lao - Ảnh internet

Để hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao (24/3), với chủ đề “Toàn dân đoàn kết thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng chống lao tiến tới thanh toán bệnh lao”, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền về cách phòng chống lao. Đồng thời đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn tham mưu với chính quyền hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động phòng chống lao tại địa phương.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Phổi Hà Nội cùng với Trung tâm Phòng chống lao và bệnh phổi Hà Đông phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn, tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao trên địa bàn thành phố.

Vì vậy, trong thời gian qua, Trung tâm Phòng chống lao và Bệnh phổi Hà Đông đã phối hợp với 9/14 bệnh viện đa khoa khu vực phía Tây Hà Nội, thành lập các tổ chống lao tại khoa truyền nhiễm của các bệnh viện đa khoa. Hàng năm, các bệnh viện trên địa bàn đã tham gia khám, xét nghiệm và phát hiện khoảng 1/3 số ca bệnh lao trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các bệnh viện tư nhân, phòng khám… sàng lọc và chuyển người nghi lao tới các tổ chống lao để người dân được khám, xét nghiệm và chẩn đoán. Với trên 120 cơ sở y tế tư nhân tham gia đã đóng góp 6% số ca lao phát hiện hàng năm. Con số này đã cho thấy hiệu quả và sự cần thiết của việc phối hợp y tế giữa công và tư trong phòng chống lao.

Năm 2015, toàn mạng lưới Trung tâm Phòng chống lao và Bệnh phổi Hà Đông và các đơn vị đã khám trên 38 nghìn lượt người nghi lao, phát hiện và đưa vào quản lý điều trị trên 2 nghìn bệnh nhân lao (bằng 60% số bệnh nhân lao ước tính có trong cộng đồng); trong đó AFB ( ) 963 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị khỏi đạt trên 95%.

Hiện nay, việc phát hiện, quản lý và điều trị bệnh lao kháng thuốc đang là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phòng chống bệnh lao. Chính vì vậy chương trình phòng chống lao đã đầu tư trang bị phương tiện cho Trung tâm Phòng chống lao và Bệnh phổi Hà Đông hệ thống máy xét nghiệm Gene Xpert trong chẩn đoán nhanh lao và lao kháng thuốc, cho kết quả chỉ sau 2 giờ với độ chính xác trên 98%, rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh.

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Vi khuẩn lao gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm từ 80-85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho những người xung quanh. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 14 trong số 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên thế giới. Đồng thời đứng thứ 11 trong số 20 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (Báo cáo WHO 2015).

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao. Tuy nhiên, còn một số lượng lớn bệnh nhân lao chưa được phát hiện, bệnh nhân lao kháng đa thuốc chưa được quan tâm quản lý, đây là mối nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng.

Tú Mai

Top