Thay đổi cách làm để phát triển xúc tiến nông nghiệp Thủ đô

22/04/2019 2:23 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/4, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị Xúc tiến kết nối Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển chế biến, liên kết vùng tạo chuỗi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp.

: Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thiện Tâm

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp là 197,7 ha, chiếm 58,9% diện tích đất tự nhiên. Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt trên 251 nghìn ha. Trong đó lúa trên 197 nghìn ha, sản lượng hơn 1 triệu tấn. Diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận được 5,3 nghìn ha, diện tích giám sát sản xuất theo VietGAP đạt 352,7 ha và trên 40ha sản xuất rau hữu cơ. Giá trị sản xuất rau đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời rau an toàn Hà Nội đã và đang hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ có tem nhận diện, truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản hơn 22 nghìn ha, đã hình thành các vùng nuôi tập trung đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì... Sản lượng thủy sản đạt 100 nghìn tấn/năm, năng suất bình quân tăng 6-8 tấn/ha. Ngành chăn nuôi của Hà Nội cũng rất phát triển, các cơ sở chăn nuôi thịt lợn sạch, an toàn có chứng nhận VietGAP có sự liên kết chuỗi phát triển bền vững, đây chính là hướng phát triển lâu dài của ngành chăn nuôi thành phố.

Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp năm 2018 tăng trưởng khá, ước tăng 3,33% so với năm 2017, đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Với nguồn lực và lợi thế hiện có, để thúc đẩy liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, đến nay Hà Nội đã xây dựng 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Đồng thời công tác tư vấn đăng ký và duy trì nhãn hiệu sản phẩm được thực hiện có hiệu quả, đã xây dựng trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều chủ trương và thu hút đầu tư vào nông nghiệp Thủ đô do Hà Nội có dân số đông, thị trường lớn, tiềm năng lợi thế riêng, ngành nông nghiệp của thành phố đang cung cấp phần lớn giống cây con các loại cho cả nước... Vì vậy, thành phố chủ trương phát triển nông nghiệp Thủ đô phải là một phần quan trọng tạo động lực phát triển cho nông nghiệp cả nước. Trong đó có nhiều dự án thu hút đầu tư trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giết mổ, chế biến và tiêu thụ nông sản; phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Để thúc đẩy xúc tiến kết nối doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển chế biến, liên kết vùng tạo chuỗi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để đạt được hiệu quả, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ cần phải triển khai những cách làm cụ thể. Đặc biệt phải thay đổi cách làm cũ bằng cách làm mới, trong đó các bên tham gia phải “chia sẻ máu thịt” để tất cả cùng có trách nhiệm trước những rủi ro cũng như lợi nhuận để bảo đảm tính lâu dài, bền vững.

Sở NN&PTNT sẽ là cầu nối để liên kết giữa doanh nghiệp của Hà Nội với các tỉnh, thành (hiện nay liên kết với 21 tỉnh, thành sau sẽ phấn đấu liên kết, mở rộng ra các tỉnh, thành có nguồn lực phát triển nông nghiệp trong cả nước).

Thiện Tâm

Top