Thúc đẩy phát triển hàng thủ công mỹ nghệ

20/08/2018 4:48 PM

(Chinhphu.vn) - Với việc Chính phủ đang thực hiện thúc đẩy chương trình mỗi làng một sản phẩm (OCOP), Hà Nội có lợi thế là địa phương giàu tiềm năng nhất khi có hơn 1.350 làng nghề để phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng của mỗi làng, đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ.

Nghệ nhân làm nón lá làng Chuông, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh Nguyễn Thắng

Thị trường rộng mở

Để tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp trong nước, hiện nay Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới, rộng đường cho xuất khẩu nhiều mặt hàng nội địa. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) còn khiêm tốn, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Các mặt hàng TCMN được sản xuất tại các làng nghề của Hà Nội rất đa dạng, bao gồm: Hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí gia đình; hàng đồ gỗ trong nhà và ngoài trời; hàng dệt gia dụng và thêu ren; hàng quà tặng và sản phẩm của các đồng bào dân tộc; hàng trang sức và phụ kiện cá nhân và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.

Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước với khoảng 176.000 hộ làm nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động.

Với việc phát triển của hàng TCMN, hàng năm Hà Nội thường xuyên tổ chức hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hanoi Gift Show) để giới thiệu các mặt hàng này. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhận định: “Với đổi mới về quy mô, số lượng cũng như chất lượng của Hội chợ, Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội có mục tiêu mang tới cho các doanh nghiệp, các làng nghề thủ công truyền thống, cũng như các nghệ nhân làng nghề những cơ hội đưa hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới nhiều hơn nữa. Chính điều này sẽ giúp thúc đẩy việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, giúp làng nghề phát triển bền vững”.

Bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: “Hanoi Gift Show đang được Sở Công Thương Hà Nội đề nghị UBND TP. Hà Nội nâng cấp quy mô Hội chợ lên tầm quốc gia để hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nhân... tổ chức thi tay nghề tại Hội chợ, làm cơ sở để công nhận Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân ngành thủ công mỹ nghệ”.

Tuy vậy với thực tế, mặc dù có thế mạnh trong sản xuất hàng TCMN, song đến nay, các sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa tạo được thương hiệu trên thị trường quốc tế, khiến đầu ra cho sản phẩm rất bấp bênh. Hàng TCMN của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung chưa tạo được thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Phát triển bài bản từ thương hiệu

Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thì 90% sản phẩm TCMN của Việt Nam sản xuất theo thiết kế và sử dụng nhãn mác của khách hàng nước ngoài. “Tình trạng này là do giá trị gia tăng hàng TCMN Việt Nam không nhiều nên các doanh nghiệp, làng nghề chấp nhận xuất khẩu sản phẩm dưới một cái tên khác, hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng. Không chỉ có vậy, các cơ sở sản xuất hàng TCMN không đầu tư vào việc thiết kế mẫu mã sản phẩm, cơ sở này có thể lấy mẫu mã của cơ sở khác để sản xuất”, ông Lang nhận định.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội phân tích: “Phần lớn các doanh nghiệp, làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu, bởi cho rằng làng nghề có truyền thống lâu đời nên tự khắc sẽ có người biết đến. Đã từng có trường hợp sản phẩm làng nghề do không được bảo hộ thương hiệu, bị đối tác nước ngoài sao chép, sản xuất hàng loạt, rồi nhập về cạnh tranh với chính sản phẩm của làng nghề”.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề TCMN xây dựng, phát triển thương hiệu, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND về việc “Hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề” năm 2018. Theo đó Thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề từ đào tạo kiến thức về xây dựng, quảng bá, đặt tên thương hiệu cho đến thiết kế biểu tượng, hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu… Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ rộng, Thành phố sẽ tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu. Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ tăng cường kết nối doanh nghiệp với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài qua đó giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian trao đổi, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến với người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản xác định: “UBND TP. Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu Việt; tập trung cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đòi hỏi chính DN, làng nghệ phải chủ động trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào đổi mới sản xuất”.

Nguyễn Thắng

Top