Thực phẩm an toàn: Cần nhân rộng nhiều chuỗi liên kết

19/12/2016 3:45 PM

(Chinhphu.vn) - Với hàng loạt động thái tích cực từ cấp Trung ương, bộ, ngành tới sự “đồng hành” của các DN, thời gian qua không ít chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ nông trại đến bàn ăn được xây dựng, vận hành suôn sẻ, tạo thêm nhiều cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm an toàn.

Chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thực phẩm giúp người dân an tâm hơn khi truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Ảnh: Nguyễn Dũng

Gà đồi tăng trưởng nhờ liên kết

Huyện Sóc Sơn có nhiều diện tích đồi gò nên thích hợp chăn nuôi gà thả đồi bán hoang dã. Trong đó, xã Nam Sơn và Bắc Sơn có truyền thống chăn nuôi gà với số lượng lớn, từ 500 đến 600 con/hộ gia đình. Gà đồi Sóc Sơn chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc do quy trình nuôi sạch và chăn thả vườn, đồi; giá bán khá hợp lý từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg... Dù có nhiều lợi thế về diện tích vùng đồi gò, song trước đây, việc chăn nuôi gà thả vườn tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và đầu ra thiếu ổn định.

Từ tháng 3/2015, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn được thành lập nhằm xây dựng chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Tham gia vào tổ chức hội, các hộ chăn nuôi phải ký cam kết sản xuất theo đúng quy trình đồng bộ từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, chăm sóc và tuổi giết mổ. Ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn cho biết, Hội đã tổ chức chăn nuôi, tiêu thụ theo chuỗi cho các gia đình hội viên được 36.000 con gà thương phẩm, tương đương 70 tấn gà lông với giá bán tăng 10% so với trước đây.

Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, việc liên kết các hộ sản xuất với nhau và với DN đã bắt đầu được triển khai từ năm 2008 khi sự cố Melamine trong sữa làm ảnh hưởng xấu đến việc phát triển đàn bò sữa. Tiếp đó, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã được mở rộng ra nhiều vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng như gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, trứng vịt Liên Châu, vịt cỏ Vân Đình, thịt lợn sinh học Quốc Oai... Theo thống kê, tổng sản lượng sản phẩm của các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản xuất hàng năm đạt 4.500 tấn thịt lợn, 3.100 tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm, 29.000 tấn sữa tươi...

Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết là một hướng đi đúng, tuy nhiên cho đến nay còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các DN đầu tàu của chuỗi. Theo ông Tường, nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn tới là tiếp tục hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, quy mô lớn ngoài khu dân cư gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời hoàn thiện chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm gắn với nhãn hiệu chứng nhận để cung cấp cho thị trường Thủ đô các sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc.

Sạch từ trang trại đến bàn ăn

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên việc hình thành, duy trì các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo chuỗi cũng tồn tại nhiều khó khăn. Nhìn nhận từ bình diện các địa phương, có thể thấy thời gian qua, Hà Nội là một trong những đơn vị điển hình trong xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: Khó khăn điển hình thể hiện ở chỗ, một số Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chưa xây dựng được kế hoạch chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hàng năm; chưa chủ động cung cấp thông tin nông sản, sản lượng để các cơ quan quản lý, DN của Hà Nội xây dựng kế hoạch kinh doanh trong năm, dẫn tới còn thụ động trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện, gây gián đoạn cho công tác kiểm tra, giám sát theo chuỗi an toàn thực phẩm. Một số chợ đầu mối chưa đáp ứng được yêu cầu về bố trí, kết cấu, ngăn cách giữa các khu vực, các hộ kinh doanh chưa đáp ứng được các yêu cầu về trang, thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm... cũng như chưa thực hiện các quy định về yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Hai năm liên tiếp 2015, 2016 đều được Bộ NN&PTNT chọn là năm an toàn vệ sinh thực phẩm với hàng loạt hành động. Điển hình có thể kể đến như sự quyết liệt quản lý chất cấm trong chăn nuôi. Thời gian qua, hàng loạt cơ sở sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi đã bị “phanh phui”, xử lý. Từ tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi xuất hiện nhan nhản khắp nơi, đến nay vấn đề cơ bản đã được kiểm soát. Sau chất cấm, việc kiểm soát sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản cũng đang có những diễn biến tích cực. Không chỉ vậy, Bộ NN&PTNT còn khá rốt ráo thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, tính tới hết tháng 9/2016, cả nước đã có 45 địa phương có mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn hoàn chỉnh với tổng số 382 chuỗi, 92 chuỗi được cấp xác nhận. Sản phẩm chính là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại.

Việc chỉ ra được những địa chỉ bán sản phẩm an toàn là câu hỏi lớn suốt một thời gian dài Bộ NN&PTNT chưa có lời đáp. Tuy nhiên, 2016 cũng là năm đánh dấu một bước đột phá lớn khi lần đầu tiên vào ngày 5/5, Bộ chính thức công bố chương trình “Địa chỉ xanh-Nông sản sạch”, nêu rõ những địa chỉ bán sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Danh sách này liên tục được cập nhật suốt thời gian qua.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT khẳng định: Việc xác định các địa chỉ được căn cứ trên một số tiêu chí nhất định. Cụ thể sản phẩm của cơ sở phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời từ các cơ sở sản xuất ban đầu cho tới các cơ sở sơ chế, phân phối đều phải nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

Với sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, đến nay sau gần một năm thực hiện, chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho người dân Thủ đô đã thu được nhiều kết quả tích cực. Hiện, Hà Nội có khoảng 1.800 mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch của các địa phương được bày bán ở 142 điểm phân phối, với sự tham gia của 52 DN.

Nguyễn Dũng

Top