Thương mại điện tử là ứng dụng để phát triển SX-KD

09/04/2019 9:48 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, việc ứng dụng thương mại điện tử được đẩy mạnh trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, du lịch, thông tin truyền thông, thuế, ngân hàng, hải quan... đã hỗ trợ hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, minh bạch thông tin.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động - sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, góp phần xây dựng Hà Nội từng bước trở thành thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập kinh tế quốc tế.

Ảnh minh họa

Đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng TMĐT

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), coi TMĐT là một phần không thế thiếu để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tham gia hoạt động TMĐT trên mạng xã hội của đại bộ phận doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng cùng với việc ứng dụng các giải pháp TMĐT trên nền tảng công nghệ di động cho thấy doanh nghiệp đã nhanh nhạy bắt kịp các xu hướng mới về TMĐT của thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Lũy kế đến cuối tháng 12/2018, tổng số có 8.932 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và chấp thuận thông báo/đăng ký hoạt động trên địa bàn Thành phố. Doanh thu năm 2018, ước đạt 38.507 tỷ đồng, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (tăng 1% so với năm 2017).

Trong ứng dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, hiện Hệ thống đã quản lý cấp mã tài khoản quản trị cho 1.984 doanh nghiệp/cơ sở; 766 cơ sở kinh doanh trái cây đã được thiết lập tài khoản quản trị tại Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội; cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho trên 3.000 dòng sản phẩm nông sản thực phẩm trên địa bàn Thành phố; cấp mã QR cho 200 dòng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản của 21 tỉnh, thành phố hiện đang tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Để đẩy mạnh ứng dụng thuế điện tử, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan để rà soát, cung cấp thông tin, dữ liệu của tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT trên mạng xã hội; đã gửi tin nhắn SMS thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản facebook các thủ tục về đăng ký, kê khai nộp thuế theo quy định.

Kết quả, đến thời điểm hiện tại, đã có trên 2.000 cá nhân đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế.

Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh thông qua việc thí điểm kết nối thông tin”, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp triển khai thí điếm nộp thuế điện tử qua Internet Banking trên địa bàn (quận Đống Đa, Hai Bà Trưng); lắp đặt thiết bị thanh toán thẻ (POS), khuyến khích hộ kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến nay, đã có hơn 604 hộ kinh doanh thực hiện giao dịch nộp thuế điện tử qua Internet Banking với số tiền thuế đã nộp thành công là hơn 17 tỷ đồng.

Đã có 146 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, 128 doanh nghiệp đã đăng ký phát hành hóa đơn điện tử, 107 doanh nghiệp đã lập hóa đơn điện tử, số hóa đơn đã được xác thực là 5,6 triệu hóa đơn, tổng doanh thu đã xác thực là 44.581 tỷ đồng, tổng số thuế đã xác thực là 3.714 tỷ đồng, số doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử là 12.802, số hóa đơn điện tử đã sử dụng là 146,4 triệu hóa đơn. Đã có 1.171 hồ sơ hoàn thuế GTGT nộp điện tử, Tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết theo phương thức điện tử so với tổng số hồ sơ đề nghị hoàn thuế thuộc trường hợp hoàn xuất khẩu, đầu tư đạt 98,5%.

Cùng với đó, đã có gần 149 nghìn doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp đăng ký kê khai thuế qua mạng (đạt tỷ lệ 98,02%); 138 nghìn doanh nghiệp hoàn thành thủ tục nộp thuế điện tử với cơ quan thuế (đạt tỷ lệ 90,9% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp nộp thuế điện tử của cả nước); có 597 nghìn  giao dịch nộp thuế điện tử với tổng số thuế là 132,7 tỷ đồng.

Ứng dụng TMĐT thành công đối với ngành Du lịch

Sở Du lịch đã cập nhật công khai dữ liệu cơ sở kinh doanh du lịch trên Cổng thông tin tại địa chỉ sodulich.hanoi.gov.vn; bao gồm: 3.548 cơ sở lưu trú du lịch, 20 nhà hàng và 23 cơ sở mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, 35 doanh nghiệp vận chuyển, 1.039 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 30 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 13 văn phòng đại diện, kết nối dữ liệu Quốc gia về hướng dẫn viên du lịch, 7 khu điểm du lịch được công nhận.

Đến nay, hầu hết doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố đã triển khai ứng dụng TMĐT ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau. Các dịch vụ du lịch trực tuyến, đặt phòng, đặt tour trực tuyến đã đạt tỷ lệ cao, đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%; tỷ lệ khách sạn, cơ sở mua sắm và ăn uống, đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép khách thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng dịch vụ đạt hơn 65%.

Nhiều địa điểm công cộng trên địa bàn như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố văn hóa ẩm thực Trịnh Công Sơn - Tây Hồ, Phố Sách 19/12, Sân bay quốc tế Nội Bài, trên một số tuyến xe buýt,... đã được phủ sóng wifi miễn phí. Một số khu vực khác sẽ được triển khai tiếp theo như làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm...

Đáng chú ý, Hà Nội là một trong 2 thành phố của Việt Nam lọt top hot nhất thế giới 2018 về lượng phòng du khách đặt trước. Nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố đã chủ động, tích cực đầu tư, hoàn thành xây dựng ứng dụng công nghệ trực tuyến để phục vụ khách du lịch.

Tiếp tục đẩy mạnh thương mại điện tử

Để phát triển TMĐT năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt kết quả tốt, các sở, ngành, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật quản lý và phát triển TMĐT của Trung ương và Thành phố đến các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, ứng dụng TMĐT, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nội địa và xuất khẩu, xuyên biên giới. Khuyến khích thiết lập các website/ứng dụng TMĐT chuyên doanh thực phẩm an toàn trên môi trường mạng.

Đồng thời, thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động"; Tổ chức vận hành mạng lưới “Máy bán hàng tự động” tại các địa điểm công cộng trên địa bàn Thành phố; Tiếp tục triển khai đạt hiệu quả Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm của thành phố Hà Nội; Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm với TMĐT để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dịch vụ trực tuyến trong các lĩnh vực như: Du lịch, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, truyền thông...

Vĩnh Hoàng (Tổng hợp)

Top