Thương mại điện tử xuyên biên giới-Cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt

04/11/2020 4:18 PM

(Chinhphu.vn) - Thương mại điện tử xuyên biên giới – đây là kênh hữu hiệu, cơ hội cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19.

Ảnh minh họa

Vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Amazon Global Selling và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon - Cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt”.

Lợi ích cho cả người mua và người bán

Đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới tạo ra nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Với ưu điểm tiết kiệm chi phí, giúp phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng đầu cuối, thương mại điện tử xuyên biên giới rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Khẳng định phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, bán hàng xuyên biên giới.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền nhận xét, qua nền tảng thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận khách hàng ở khối thị trường lớn, khó tính như Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Tuy nhiên, để đẩy mạnh bán hàng, doanh nghiệp cần hiểu rõ sàn thuơng mại đã lựa chọn.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, do dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp trong những tháng đầu năm 2020, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang gặp khó khăn. Nhiều đối tác nhập khẩu của Việt Nam đã thông báo trì hoãn đơn hàng; tiến độ thông quan chậm do tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh ở cả hai đầu xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội ước đạt 13.194 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Do vậy, bà Lan nhận định, các kênh bán hàng trực tuyến đang đóng vai trò ngày càng quan trọng, không chỉ để mua sắm mà còn để xuất khẩu.

Cần xây dựng kế hoạch kinh doanh đầy đủ

Theo ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon tại Việt Nam, tại Mỹ, tần suất mua sắm trực tuyến tăng 14% đối với mọi danh mục hàng hoá, dịch vụ. Một số khảo sát gần đây cũng cho thấy, tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định sẽ mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch kết thúc.

Ông Thủy cho biết, Amazon là tập đoàn công nghệ và là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, có hơn 100 triệu người đăng ký trên toàn cầu. Do vậy, qua nền tảng này, doanh nghiệp có thể ngồi tại Việt Nam nhưng kinh doanh tại Mỹ, châu Âu...

Nhấn mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới là kênh hữu hiệu cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, ông Thủy cho rằng, còn rất nhiều việc mà các doanh nghiệp phải tìm hiểu, áp dụng để có thể xuất khẩu thành công. Vào thị trường mới, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch kinh doanh đầy đủ. Sản phẩm phải được sự chấp nhận của người tiêu dùng mà doanh nghiệp muốn nhắm tới. Doanh nghiệp bán hàng online nhưng sản phẩm là thật, do đó, sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới phải đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Trong khi đó, hiện nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư cho hình ảnh.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 10% đến 30%, có đơn vị tăng 50%, doanh thu bán lẻ trong thương mại điện tử của Thành phố đang chiếm 8% trong tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng. Chỉ số phát triển thương mại điện tử của Hà Nội luôn cùng TPHCM là một trong hai thành phố dẫn đầu cả nước.

“Gần 300 doanh nghiệp đã kết nối và đang có nhu cầu kết nối, xuất khẩu hàng hóa vào kênh bán lẻ trực tuyến của Amazon tham gia hội thảo. Con số này chứng tỏ nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử là rất lớn và rất cần thiết”, ông Thủy nhấn mạnh.

Để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các buổi thảo luận, tọa đàm, chương trình tập huấn chuyên sâu về xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử.

Đồng thời, phối hợp với Google, Alibaba, Amazon và các sàn thương mại điện tử lớn tổ chức hội nghị kết nối về thương mại điện tử, cập nhật kiến thức số, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là những giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của địa phương một cách ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thùy Linh

Top