Thương mại phát triển đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung

05/11/2018 3:00 PM

(Chinhphu.vn)-Dự kiến cả năm 2018, giá trị tăng thêm nhóm ngành dịch vụ tăng của Hà Nội có thể đạt 7,23%. Do có cơ cấu lớn (chiếm đến 57,6%), nên mức tăng trưởng này đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung của Thành phố.

Một cửa hàng tiện ích của VinMart . Ảnh: Trọng Hiếu

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến năm 2018, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra doanh thu dịch vụ ước đạt 2.520 nghìn tỷ đồng tăng 9,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 509 nghìn tỷ đồng tăng 8,9%, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 304,2 nghìn tỷ đồng tăng 13,8%, tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa trung bình 03 năm 2016-2018 tăng 12,43%.

Nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại

Triển khai Kế hoạch phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại giai đoạn 2018-2020, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, đã thu hút được một số dự án có quy mô lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển thương mại của Thành phố.

Cụ thể, có 4 trung tâm thương mại do Tập đoàn Vingoup làm chủ đầu tư tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì với tổng diện tích 30,2ha, tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng; ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Semmaris (Cộng hòa Pháp) để triển khai lập dự án nghiên cứu tiền khả thi Chợ đầu mối quốc tế nông sản tại huyện Gia Lâm, quy mô nghiên cứu khoảng 155 ha; thu hút đầu tư 52 dự án lĩnh vực thương mại (18 dự án thương mại dịch vụ; 03 dự án Logistics; 07 dự án chợ dân sinh; 24 dự án cửa hàng xăng dầu)… 

Đến nay trên địa bàn Thành phố có 22 trung tâm thương mại (TTTM), 132 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, 491 cửa hàng xăng dầu, 454 chợ, tiếp nhận và chấp thuận cho 8.426 website/ứng dụng thương mại điện tử hoạt động trên địa bàn; công tác quản lý và kiểm tra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được tăng cường. 

Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu tạo nguồn cung ổn định cho thị trường Hà Nội đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu đảm bảo được ATTP (Tổ chức gần 500 chuyến bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, 05 Hội chợ hàng Việt phục vụ Tết, 10 phiên chợ Việt, 1 chợ Tết phục vụ nhân dân khu vực ngoại thành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá, bán hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, người lao động trong dịp lễ, tết); tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững của thành phố Hà Nội năm 2018, đã có 126 lượt doanh nghiệp phân phối, chế biến nông sản, thực phẩm ký kết ghi nhớ, hợp tác với 22 quận, huyện, thị xã nhằm đẩy mạnh việc kết nối, khai thác nông sản tại các vùng sản xuất trên địa bàn Thành phố.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống gian lận thương mại tiếp tục được tăng cường. Đến thời điểm báo cáo, lực lượng QLTT Hà Nội đã thực hiện kiểm tra, xử lý 7.931 vụ. Tổng số tiền xử lý hơn 118,4 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính gần 52 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu gần 21,75 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm gần 44,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, Thành phố đã triển khai Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành, tạo tiền đề nhân rộng cho các nhóm sản phẩm khác. Đến nay trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có tổng số 766 cửa hàng kinh doanh trái cây; 766/766 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP, đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 30%); 100% cửa hàng đã được cấp ĐKKD (trước Đề án đạt 30%);  Đã xây dựng được tổng số 33 tuyến phố trên địa bàn 12 quận không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè (riêng quận Thanh Xuân 11 tuyến, Hà Đông 5 tuyến, quận Cầu Giấy 8 tuyến). 

Phát triển hệ thống phân phối hiện đại 

Để phát triển lĩnh vực thương mại trên địa bàn Thủ đô, hiện nay, còn một số khó khăn trong việc thu hút đầu tư xây dựng một số hạ tầng thương mại trên địa bàn Thành phố.

Trong thời gian tới, song song với đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ phát triển hệ thống phân phối hiện đại vào năm 2019 tại Hà Nội: Dự kiến phát triển 5 siêu thị và 200 cửa hàng tiện lợi của Vincomer; 100 cửa hàng Coopfoot; 5 siêu thị của Hapro; Trung tâm siêu thị AEON Hà Đông (dự kiến cuối năm 2019 sẽ đưa vào hoạt động); 3 siêu thị của Lan Chi; 2 siêu thị BigC; 6 siêu thị Intimex; 1 siêu thị V ; 10 cửa hàng tiện lợi của An Việt; Phát triển thêm từ 5-10 siêu thị của các hệ thống siêu thị điện máy (Điện máy xanh; PiCo; Mediamar, Nguyễn Kim, HC…).

Cùng với tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh thương mại và phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, quản lý các chợ trên địa bàn, giải tỏa và sắp xếp chợ cóc, chợ tạm, Hà Nội sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn. Tập trung triển khai có hiệu quả: Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án "Đẩy mạnh xuất khẩu của thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến năm 2025"; Kế hoạch thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2019; Đề án “Giải pháp phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn đến năm 2020”.

Minh Anh

Top