Tích cực cải cách hành chính để đón ‘làn sóng’ đầu tư

04/12/2018 8:34 PM

(Chinhphu.vn)-Chiều 4/12, HĐND TP.Hà Nội tiến hành phiên thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến, kiến nghị tâm huyết của các đại biểu về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019 của Thành phố đã được nêu ra.

Đại biểu Nguyễn Thế Vinh, tổ đại biểu quận Đống Đa, phát biểu ý kiến

Đa phần các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí với tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 của thành phố Hà Nội; việc cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của cấp thành phố; kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2019-2021, ngân sách địa phương, dự toán ngân sách Thành phố năm 2019. Nhiều đại biểu đánh giá cao báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Hà Nội năm 2018, đặc biệt là việc đạt và vượt 20/20 mục tiêu của năm 2018. Trong đó, khá đông ý kiến của đại biểu đóng góp về vấn đề cải cách hành chính, thu hút đầu tư nước ngoài…

Đại biểu Đỗ Mạnh Hải (Tổ đại biểu quận Long Biên) cho rằng, nhóm chỉ tiêu hoàn thành sớm 2 năm cụ thể là: Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 83,9% (Kế hoạch 80%); tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 66,2% (kế hoạch 65-70%); tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ 1,19% (kế hoạch là 1,2%); trồng mới 1 triệu cây xanh… là những con số ấn tượng thể hiện cảnh quan môi trường Thủ đô được chú trọng, ngành du lịch phát triển, đời sống an sinh của người dân được nâng cao hơn.

Cùng với đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước đã khẳng định vai trò vị trí của Thủ đô đối với cả nước, thu ngân sách cũng vượt chỉ tiêu.

Đóng góp ý kiến về công tác cải cách hành chính, đại biểu Đỗ Mạnh Hải cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền dịch vụ công mức độ 3-4 đến người dân bằng cách tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, khảo sát, sân khấu hoá như quận Long Biên đã thực hiện. Cách làm này thu hút người dân tham gia nhiệt tình và sau mỗi cuộc thi, người dân hiểu biết hơn về vấn đề cải cách hành chính, dịch vụ công.

Bên cạnh đó, có thể thực hiện giảm tải chính quyền cơ sở bằng cách rà soát thủ tục hành chính giao cho tổ chức ngoài nhà nước, có thể giao toàn phần (đối với một số việc công chứng giấy tờ) hoặc giao một phần việc (như vấn đề xin giấy phép xây dựng).

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu quận Hoàng Mai) đánh giá, thời gian qua, Thành phố đã có những chủ trương, chính sách quyết liệt, sáng tạo về cải cách hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số thủ tục hành chính rườm rà; Sở, ban, ngành xử lý một số vấn đề nhiêu khê làm khó cho doanh nghiệp đầu tư…

Theo đại biểu Phạm Đình Đoàn, Thành phố muốn đón nhận làn sóng đầu tư thì cần cải cách thủ tục hành chính; thiết kế các chính sách cho doanh nghiệp nội địa kết hợp quá trình toàn cầu để cùng phát triển; cần tạo điều kiện cho  doanh nghiệp có môi trường kinh doanh tốt; tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính; sử dụng hiệu quả các quỹ đầu tư mạo hiểm; phát triển thành phố thành Trung tâm khởi nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế...

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải giải trình tại phiên thảo luận

Cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực CNTT

Bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), đại biểu Nguyễn Thế Vinh (tổ đại biểu quận Đống Đa) nhấn mạnh, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực CNTT, kết hợp các công nghệ lại với nhau. Năm 2018, Thành phố chi cho CNTT đang hạ so với Kế hoạch. “Nếu lĩnh vực khoa học công nghệ giải ngân thấp thì có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ cũng thấp”, đại biểu Vinh nhận định.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, Hà Nội cần mở rộng ứng dụng CNTT, chủ trương xây dựng thành phố thông minh, định hướng cấp quận thực hiện như việc xây dựng giao ban trực tuyến…

Giải trình vấn đề giải ngân chương trình CNTT, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết, Thành phố luôn xác định CNTT là nội dung quan trọng, ngay từ năm 2015, HĐND thông qua Nghị quyết 05/2015/NQ-HĐND ứng dụng CNTT tin trong hoạt động cơ quan Hà Nội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan chức năng đã có nhiều điều chỉnh trong việc điều chỉnh, ban hành chương trình CNTT phù hợp xu thế phát triển, trong đó nổi bật là vấn đề thuê dịch vụ CNTT. Hiện Hà Nội là đơn vị đi đầu trong vấn đề này, đồng thời Thành phố bố trí nguồn lực kinh phí bảo đảm CNTT.

Ông Hà Minh Hải cho biết, trong quá trình xây dựng các chương trình CNTT của Hà Nội từ năm 2017, 2018, Nghị quyết 36a về Chính quyền điện tử, Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg về quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước đã bộc lộ một số vướng mắc so với năm 2016. Các sở, ban, ngành của Thành phố đã cùng rà soát những vướng mắc để tham mưu báo cáo Thành phố, còn nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện Bộ đã có hướng dẫn yêu cầu Sở TT&TT tháo gỡ vướng mắc trong năm 2019.

Tin, ảnh: Gia Huy-Thùy Linh

Top